Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo quy chế tuyển sinh bậc THCS, THPT lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội. Theo đó, bộ bỏ đề xuất bốc thăm môn thứ 3 thi lớp 10, thay vào đó địa phương lựa chọn môn nhưng luân phiên thay đổi hàng năm và công bố trước 31-3.
Việc thay đổi môn thi thứ 3 hàng năm gây áp lực cho học sinh
Phạm Nguyễn Bảo Hân, học sinh (HS) lớp 9 Trường THCS Phạm Văn Chiêu, quận Gò Vấp chia sẻ bản thân em thấy nhẹ nhõm hơn trước thông tin trên. Tuy nhiên, việc môn thứ 3 thay đổi hàng năm cũng đâu khác so với bốc thăm.
“Thời điểm công bố môn thi quá trễ. Bởi kiến thức các môn học rất nhiều. Bên cạnh môn thi, tụi em còn phải học các môn khác nên khó ôn tập hiệu quả trong thời gian ngắn” – Hân nói.
Khi biết đề xuất của bộ, chị Thanh Tâm, phụ huynh có con đang học lớp 9 tại TP.HCM nói vẫn không hết nỗi lo. Chị cảm thấy sự thay đổi lại khiến phụ huynh thêm bất an.
“Môn thứ 3 thay đổi hàng năm và công bố quá muộn tạo áp lực cho phụ huynh và HS. Chị mong mỏi môn thi được công bố sớm và cố định để HS có kế hoạch ôn tập"- chị Tâm bày tỏ.
Tương tự, chị Bùi Thị Trang, Hà Nội cho biết đây là năm đầu tiên kỳ thi lớp 10 tổ chức theo chương trình mới. Đây vốn dĩ một áp lực lớn đối với cả thầy và trò. Việc môn thứ 3 công bố quá muộn (trước ngày 31-3) sẽ tạo rất nhiều khó khăn cho cả thầy trò và gia đình.
“Thay vì cần tập trung ôn luyện vào 3 môn thi, các con phải học dàn trải, rất căng thẳng” - chị Trang nêu.
Chị Nguyễn Thị Liên, Hà Nội mong mỏi môn thi thứ 3 sẽ là môn ngoại ngữ. Bởi điều này nó đảm bảo công bằng đối với các em học thiên về các môn khoa học xã hội hay thiên về khoa học tự nhiên. Mặc khác, nó cũng phù hợp với định hướng đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học.
Chưa hợp lý
Nhiều giáo viên ủng hộ việc để địa phương chủ động trong việc lựa chọn môn thứ 3. Tuy nhiên, việc luân phiên thay đổi hàng năm và thời điểm công bố môn thi cần xem xét.
Bà Nguyễn Ngọc Thảo, Hiệu trưởng Trường THCS Phú Thọ (quận 11) cho hay mỗi tỉnh thành có đặc thù riêng vì thế nên để các địa phương chủ động lựa chọn môn thứ 3 thi lớp 10. Riêng việc thay đổi môn thứ 3 hàng năm cần tính toán.
Bởi với đặc thù của TP.HCM, với xu thế hội nhập toàn cầu thì tiếng Anh là môn thứ 3 rất phù hợp. Hơn nữa, môn thi này cũng góp phần để TP xây dựng trường học sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai.
“Môn thứ 3 nên cố định, bởi thay đổi sẽ gây xáo trộn và gây tâm lý hoang mang. Nếu để tránh học lệch thì để xét tốt nghiệp THCS, HS đã phải học đều các môn để hoàn thành chương trình” – bà Thảo nói.
Đề cập đến dự thảo, bà Lê Thị Thùy, Hiệu trưởng Trường THCS Vân Đồn, quận 4, nói: “Dù không phải bốc thăm môn thứ 3 nhưng lại luân phiên hằng năm về bản chất vẫn như nhau. Kỳ thi lớp 10 vì thế vẫn mang tính may rủi, hên xui” – bà Thùy nói.
Theo bà Thùy, với phương án thi lớp 10, Bộ GD&ĐT chỉ cần giao quyền quyết định cho các địa phương. Mỗi tỉnh/thành căn cứ vào tình hình thực tế sẽ có sự chọn lựa phù hợp.
“Việc thay đổi môn thứ 3 hằng năm là chưa hợp lý. Bởi với kỳ thi lớp 10, việc chọn thi môn khoa học cơ bản như Toán, Văn là điều tất yếu và môn tiếng Anh với mục đích hội nhập là điều đương nhiên. Các môn còn lại rất khó cho các em bởi mỗi em có một năng khiếu riêng.
Hơn nữa, đây là kỳ thi tuyển lấy từ cao xuống thấp vì thế nếu phải thi những môn lỡ may không phải sở trường sẽ rất thiệt thòi cho các em. Vì thế, việc luân phiên thay đổi môn thi thứ 3 hàng năm sẽ không đánh giá đúng thực chất năng lực của học trò” – bà Thùy nói.
Theo bà Thùy, nếu sự thay đổi này để tránh học lệch cũng khó thuyết phục. “Trường học vẫn phải đảm bảo dạy hết chương trình các môn để các em nắm vững kiến thức cơ bản, đáp ứng yêu cầu xét tốt nghiệp. Còn việc dạy để các em thi lớp 10 đòi hỏi một năng lực cao hơn. Hai mục đích khác nhau nên không thể đánh đồng” – bà Thùy nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM nhìn nhận dự thảo phương án thi lớp 10 vừa công bố đã cho thấy Bộ GD&ĐT có sự tiếp thu ý kiến từ dư luận. Thay vì bốc thăm, bộ nên để địa phương chủ động.
“Tuy nhiên, trong dự thảo, Bộ GD&ĐT nêu môn thứ 3 luân phiên hàng năm, tôi thấy chưa hợp lý” – ông Ngai nói.
Theo ông Ngai, việc luân phiên mỗi năm nhằm tránh cho việc học lệch, sợ HS chỉ tập trung vào các môn thi lớp 10. Nếu cố định môn thi thì các môn khác HS sẽ xem nhẹ, không đảm bảo giáo dục toàn diện. Tuy nhiên, nếu thay đổi hàng năm cũng khó hạn chế được tình trạng trên. Ví dụ, năm thứ nhất thi môn A thì sang năm thứ 2 HS sẽ dự đoán môn này không thi do luân phiên nên không học tập trung.
“Việc luân phiên hằng năm tưởng rằng sẽ tránh tình trạng học lệch nhưng thực tế môn đã thi năm trước sẽ không còn thi lại khiến các em ít chú trọng, cũng không tránh được tình trạng trên” – ông Ngai nói.
Trước thực tế trên, ông Ngai đề xuất Bộ GD&ĐT nên để môn thứ 3 thi lớp 10 các địa phương tùy tình hình thực tế chọn lựa. Để khắc phục việc học lệch cần phải bằng cách quản lý tốt chứ không phải dùng môn thi.
“Trước hết các giáo viên cần phải dạy đầy đủ các môn học theo đúng chương trình, không xem trọng môn này, coi nhẹ môn kia. Hiệu trưởng phải kiểm tra, nắm bắt tình hình. Thỉnh thoảng, phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT thực hiện thanh tra đột xuất để thúc đẩy việc giảng dạy, uốn nắn những sai phạm” - ông Ngai nhấn mạnh.
Không đồng tình về thời điểm công bố môn thi, phó hiệu trưởng một trường ở Tây Hồ, Hà Nội cho rằng nếu không chốt sớm các môn thi vào lớp 10 sẽ gây áp lực lớn cho HS.
“Phương án thi 3 môn là phương án tối ưu. Ngoài ra, môn thi thứ 3 cũng cần công bố sớm, không nên để hạn là cuối tháng 3 hàng năm” - vị này cho hay.
Ông Bùi Xuân Tiệp, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Lào Cai ủng hộ việc để môn thứ 3 hoặc bài thi tổ hợp do địa phương lựa chọn.
“Sở GD&ĐT là đơn vị sâu sát, hiểu và nắm bắt được thế mạnh, đặc thù, khả năng của HS địa phương mình, cũng hiểu được những hạn chế của các em do các yếu tố khách quan, chẳng hạn như chúng tôi không thể kỳ vọng HS vùng cao sẽ học tiếng Anh giỏi như ở các thành phố lớn. Vì vậy, nếu địa phương được giao quyền chủ động trong việc lựa chọn môn thi thứ 3 thì sẽ có phương án phù hợp nhất" - ông Tiệp nói.
Liên quan đến thời gian công bố môn thi thứ 3, theo ông Tiệp, để thời hạn là 31-3 hàng năm là khá muộn. Ở các vùng cao, vùng dân tộc như tỉnh Lào Cai, việc công bố môn thi muộn như vậy có thể khiến các em lúng túng, bởi dù sao thì điều kiện học tập ở đây còn khó khăn. Nếu yêu cầu HS lớp 9 phải học đều, học tốt tất cả các môn sẽ vất vả cho các em trong khi điều kiện học tập còn nhiều hạn chế.