Kỳ thi thử được tổ chức với quy mô và quy trình như một kỳ thi thật. Sở GD&ĐT TP.HCM giải thích việc thi thử nhằm giúp HS làm quen với “không khí” của kỳ thi THPT quốc gia chính thức. Qua kỳ thi này, nhà trường và HS sẽ nhận ra những lỗ hổng về kỹ năng làm bài, về kiến thức để khắc phục.
Tuy nhiên, tại Hà Nội, Sở GD&ĐT lại không có chủ trương đứng ra tổ chức thi thử. Phải chăng Hà Nội không thấy những “cái hay” của thi thử?
Có lẽ băn khoăn lớn nhất là thi thử “giống như thi thật”, có nghĩa là thi thử sẽ đánh giá năng lực HS đúng như của kỳ thi thật. Trả lời vấn đề này không phải dễ. Để đánh giá năng lực của HS phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau của kỳ thi, trong đó có một yếu tố mang tính quyết định là tính chính xác của kỳ thi. Tính chính xác nghĩa là đề thi ra như thế nào để đánh giá đúng năng lực của em HS đó. Đây là việc cực kỳ khó, nhất là khi kỳ thi THPT quốc gia chưa một lần diễn ra, đề thi của nó với cấu trúc hoàn toàn mới vẫn còn bỏ ngỏ. Và nếu đề thi thử là thước đo thiếu chính xác thì kỳ thi thử sẽ vô cùng nguy hiểm. Nó làm cho HS chủ quan (nếu đề dễ so với đề chuẩn) hoặc bi quan (nếu đề khó) và cả hai trạng thái tâm lý này đều không tốt cho thí sinh trước kỳ thi.
Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết đề thi thử THPT quốc gia lần này được xây dựng tương đương với khung đề thi THPT năm 2015 mà Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo. Chúng ta tin với đội ngũ chuyên viên nhiều kinh nghiệm, sở này có thể xây dựng được nhiều bộ đề thi có tính chính xác cao như thế. Tuy nhiên, ở một số địa phương khác, thậm chí ở một số trường có tổ chức thi thử thì không phải đề thi nào do họ tự soạn ra đều có độ chính xác cao như yêu cầu.
PGS Văn Như Cương, Chủ tịch HĐQT Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội, nơi đã tổ chức thi thử mới đây, cũng cảnh báo việc thi thử cần làm chặt chẽ vì phải đảm bảo đề thi thử càng giống đề thi thật càng tốt. Hiểu được tầm quan trọng của việc thi thử, lãnh đạo Trường THPT Việt Đức, Hà Nội quyết định không tự đứng ra làm đề thi thử mà phải nhờ vào cơ quan chuyên môn xây dựng đề thi theo đúng định hướng, mục tiêu của Bộ GD&ĐT.
Tóm lại, thi thử thể hiện trách nhiệm của nhà trường đối với HS của mình, tuy nhiên phải hết sức thận trọng.
TỪ NGUYÊN THẠCH