Ngày 22-4, trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ thông tin chi tiết về kế hoạch tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 trong bối cảnh dịch COVID-19.
Bộ GD&ĐT xây dựng và cung cấp đề thi
Theo ông Độ, do ảnh hưởng của dịch, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 8-2020. Thời điểm này, cả Luật Giáo dục và Luật Giáo dục ĐH đã có hiệu lực thi hành, do vậy sẽ không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia như mọi năm mà tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Mục đích của kỳ thi tốt nghiệp THPT nhằm lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông, từ đó điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học trong các nhà trường. Kết quả của kỳ thi cũng có thể được các trường ĐH, CĐ sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.
Việc tổ chức kỳ thi sẽ do UBND tỉnh, TP trực thuộc trung ương chủ trì. Bộ GD&ĐT chỉ đạo, UBND tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức kỳ thi của địa phương mình đảm bảo an toàn, nghiêm túc, công bằng và đúng quy chế.
Các tỉnh sẽ thành lập hội đồng thi để tổ chức thi cho tất cả thí sinh. Hội đồng thi của tỉnh sẽ chịu trách nhiệm tổ chức tất cả các khâu của kỳ thi như in sao đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo, công bố kết quả thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho hay để đảm bảo tính khách quan, công bằng và mặt bằng chung trong đánh giá, xét công nhận tốt nghiệp, Bộ GD&ĐT xây dựng và cung cấp đề thi cho các địa phương để tổ chức thi tốt nghiệp cùng một thời điểm trong cả nước.
Học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, quận Thủ Đức, TP.HCM đang học bài dạy trên truyền hình. Ảnh: NTCC
Lo ngại thêm kỳ thi
Trước phương án thi Bộ GD&ĐT vừa công bố, học sinh (HS) khối 12 có những phản ứng trái chiều.
Theo kế hoạch, sau khi kết thúc chương trình học lớp 12, em Huỳnh Chánh Định, HS Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM, sẽ đi du học ở Mỹ vì thế với phương án thi của bộ, em thấy khá ổn. “Em học chủ yếu để thi tốt nghiệp. Với việc tổ chức kỳ thi như bộ vừa công bố, bản thân em thấy đỡ áp lực hơn. Trong thời gian tới, em sẽ cố gắng bổ sung thêm những kiến thức cơ bản của ba môn toán, lý, hóa. Bởi những kiến thức này đều cần thiết khi em qua Mỹ học. Ngoài ra, em sẽ trau dồi thêm ngoại ngữ” - em Định nói thêm.
Khá bất ngờ trước thông tin thi chỉ để xét tốt nghiệp, em Lê Anh Hào, HS lớp 12 Trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM, nói: “Nếu phương án cũ thì tụi em chỉ cần một kỳ thi, còn năm nay lại khác. Một số trường ĐH tốp trên sẽ tổ chức thi riêng để xét tuyển. Mỗi trường một kiểu, tụi em khó nắm bắt, chẳng lẽ lại phải đi luyện thi”.
Trong khi đó, em Tuấn Kiệt, HS lớp 12 Trường THPT Trịnh Hoài Đức, Bình Dương, cho rằng việc bộ thay đổi kỳ thi vào lúc này khiến đa số HS đều cảm thấy hụt hẫng. Riêng Kiệt, việc thay đổi như vậy là hợp lý. “Tình hình dịch bệnh phức tạp, HS nghỉ học. Các trường đều triển khai dạy trực tuyến nhưng mỗi tỉnh một khác, điều kiện cũng khác nên việc học cũng không giống nhau. Do đó, nếu tổ chức kỳ thi như những năm trước sẽ không công bằng” - Kiệt bày tỏ.
Tuấn Kiệt chia sẻ thêm, hiện kỳ thi chỉ còn giá trị xét tốt nghiệp nên em sẽ không cần chú trọng nhiều. Điều em quan tâm là kỳ thi riêng của các trường ĐH tốp trên. “Em đã chuẩn bị sẵn tâm lý nên có thi hai lần cũng không sao vì khó cũng khó chung” - Kiệt tâm sự.
Bà Vũ Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM, cho rằng với sự thay đổi trên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến HS. “Tôi đã yêu cầu bộ phận học vụ cũng như phó hiệu trưởng chuyên môn ngay từ thời điểm này theo dõi phương thức tuyển sinh của các trường ĐH để cung cấp thông tin cho các em. Nếu HS muốn xét tuyển vào trường nào thì phải nghiên cứu kỹ phương thức tuyển sinh của trường đó để có kế hoạch ôn tập phù hợp” - bà Dung nói thêm.
Nội dung thi chủ yếu là chương trình lớp 12 Nội dung thi nằm trong chương trình giáo dục THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12; phù hợp với nội dung tinh giản chương trình học kỳ 2 đã được Bộ GD&ĐT công bố; đề thi sẽ dễ hơn, độ phân hóa của đề thi cũng sẽ giảm đi so với các năm trước để phù hợp với mục đích của kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng như điều kiện dạy học do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Bộ GD&ĐT xây dựng những giải pháp kỹ thuật nhằm giám sát chất lượng, tính trung thực của kỳ thi như thực hiện mỗi thí sinh trong cùng phòng thi có một mã đề thi riêng; áp dụng thiết bị giám sát và công nghệ thông tin để quản lý chặt chẽ đề thi, bài thi. Các bài thi trắc nghiệm sẽ được chấm bằng máy, bằng phần mềm chung của bộ, có sự giám sát của hệ thống camera trên cơ sở phát huy hiệu quả của quy trình chấm thi năm 2019 để đảm bảo quy trình chấm thi an toàn, nghiêm túc, đề phòng gian lận. Đặc biệt, năm nay các tỉnh phải công khai phổ điểm thi, báo cáo toàn bộ điểm học bạ của các thí sinh qua hệ thống dữ liệu điện tử. Bộ GD&ĐT sẽ lấy đó làm căn cứ đối sánh kết quả thi… Thứ trưởng Bộ GD&ĐT NGUYỄN HỮU ĐỘ |
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 Thời gian: Dự kiến tháng 8-2020, diễn ra trong 1,5 ngày với ba buổi thi. Đề thi: - Dùng chung cho THPT và GDTX. - Dự kiến gồm ba bài thi độc lập (toán, ngữ văn, ngoại ngữ) và hai bài thi tổng hợp KHTN (vật lý, hóa học và sinh học) và bài thi tổng hợp KHXH (lịch sử, địa lý và giáo dục công dân); đối với thí sinh GDTX gồm tổ hợp của hai môn lịch sử, địa lý. Thí sinh THPT phải thi ba bài thi bắt buộc toán, ngữ văn, ngoại ngữ và một bài thi tự chọn KHTN hoặc KHXH; thí sinh GDTX phải thi hai bài thi bắt buộc toán, ngữ văn và một bài thi tự chọn KHTN hoặc KHXH. Các môn trắc nghiệm: Toán, ngoại ngữ, KHTN, KHXH; môn tự luận: Ngữ văn. |