Thi trắc nghiệm: Đạt điểm cao không dễ

Điểm kiểm tra học kỳ 1 vừa được các trường THPT ở TP.HCM công bố cho thấy số bài thi đạt loại giỏi giảm mạnh; số bài thi trung bình, khá tăng lên; số bài bị điểm liệt cũng ít hơn. Đó là nhận định ban đầu của hiệu trưởng một số trường THPT về kỳ thi lần đầu tiên được tổ chức bằng hình thức trắc nghiệm tới tám môn thi là toán, tiếng Anh, lý, hóa, sinh, sử, địa, giáo dục công dân.

“Em phải đánh lụi”

Sau khi trường công bố điểm kiểm tra, nhiều học sinh (HS) Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (quận 5) đạt số điểm không cao, thậm chí thấp hơn so với trước đây khi thi bằng hình thức tự luận.

Em VHT, HS lớp 12, cho biết điểm của em thấp nhất là toán, tiếng Anh và lịch sử, mỗi môn em chỉ đạt 6-7 điểm, các môn còn lại đều trên 8 điểm. “Trước đây điểm môn toán ít khi dưới 7 điểm nhưng lần này chỉ được 6 điểm” - em VHT cho biết vậy và giải thích: “Đề toán không quá khó nhưng em bị rối. Có nhiều câu em phải đánh lụi vì không đủ kiên nhẫn giải từng bước. Còn môn lịch sử, để làm đúng hết thì khó vì kiến thức rất nhiều, có những câu na ná nhau nên khó biết phương án nào đúng”.

Một số HS Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3) cũng cho biết điểm kiểm tra năm nay không nhiều điểm cao từ 8 trở lên; mức điểm trung bình, khá là nhiều; nhất là các môn lần đầu thi trắc nghiệm như toán, sử, giáo dục công dân. “Kiến thức từng môn rộng, lại thi theo tổ hợp môn, thời gian làm bài cũng bị hạn chế nên dễ bị tẩu hỏa nhập ma” - một HS giãi bày.

Giáo viên hướng dẫn học sinh trước khi làm bài thi trắc nghiệm tại Trường THPT Tân Phong,  quận 7, TP.HCM. Ảnh: P.ANH

Chưa biết cách học

Đánh giá về kết quả kiểm tra học kỳ 1, hiệu trưởng một trường THPT ở ngoại thành cho biết điểm kiểm tra lần này thấp hơn mọi năm. Cả khối 12 chỉ có 2% HS đạt điểm giỏi, còn lại trung bình và dưới trung bình. “Các em quen học máy móc, thuộc lòng nên đề ra dạng trắc nghiệm khiến các em lúng túng vì chưa nắm kiến thức tốt, kinh nghiệm làm bài còn hạn chế. Những em làm được 6-7 điểm là những HS khá, còn lại nhiều em thấy khó đánh bừa nên điểm thấp, thậm chí bị điểm liệt” - vị hiệu trưởng này cho biết.

Còn ở một trường nội thành là THPT Phú Nhuận (quận Phú Nhuận), bà Đặng Thị Yến, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết so với cách kiểm tra tự luận trước đây, trường giảm mạnh điểm giỏi. Như môn toán có khoảng 10% HS dưới trung bình, 20% đạt điểm giỏi, còn lại phần lớn đạt 5-8 điểm. Trong khi mọi năm ít nhất phải 50% HS được điểm giỏi. Các môn xã hội lần đầu tiên thi trắc nghiệm cũng tương tự, điểm khá nhiều nhưng để đạt điểm tuyệt đối rất ít. Nhìn chung kết quả điểm như vậy là khá tốt so với yêu cầu đặt ra, nhất là những môn xã hội như lịch sử, địa lý, giáo dục công dân.

Bà Yến cũng cho rằng hình thức thi trắc nghiệm đã phân hóa được HS. Những em đạt điểm giỏi không nhiều nhưng đó là những em xuất sắc thực sự. “Kết quả thi học kỳ 1 cho thấy làm bài trắc nghiệm để có điểm cao không phải dễ. Các em phải biết cách học thì mới làm bài tốt được” - bà Yến chia sẻ.

Sẽ thi thử THPT quốc gia trong học kỳ 2

 Sở GD&ĐT TP.HCM TP đã có kế hoạch tổ chức cho HS thi thử THPT quốc gia trong học kỳ 2 để HS làm quen cách thức thi mới. Kỳ thi thử sẽ được tổ chức theo đúng quy trình và nghiêm túc như kỳ thi THPT quốc gia. Các trường có thể đăng ký để HS tham gia thi thử tùy điều kiện thực tế. Sở GD&ĐT TP.HCM sẽ làm việc với các trường về công tác chuẩn bị thi thử, lên kế hoạch, lịch thi chi tiết và có thông báo cụ thể. Về phương án chuẩn bị câu hỏi cho bài thi trắc nghiệm, Sở sẽ tập hợp câu hỏi từ các trường THPT để thành lập ngân hàng đề thi.

Ông NGUYỄN TIẾN ĐẠT, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM

________________________________

Theo phương án thi THPT quốc gia 2017 đã được Bộ GD&ĐT công bố, thí sinh sẽ làm bốn bài thi gồm ba bài bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và tự chọn một bài thi khoa học tự nhiên (lý, hóa, sinh) hoặc khoa học xã hội (sử, địa, giáo dục công dân). Trừ ngữ văn, tất cả các môn đều thi theo hình thức trắc nghiệm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm