“Với phương án thi năm 2017, các trường đại học (ĐH) phải trả lời được ba câu hỏi. Thứ nhất, ngoài xét tuyển dựa vào kỳ thi này, các trường có tổ chức đánh giá năng lực thêm không? Thứ hai, nếu tổ chức đánh giá năng lực thì đánh giá cái gì. Có thi lại các bài thi hay thi kiến thức khác? Vì nếu tổ chức thi lại thì có chăng các trường không tin vào kết quả kỳ thi, tức kết quả kỳ thi chưa đủ cơ sở để các trường xét tuyển. Thứ ba, nếu các trường đánh giá năng lực thêm thì tổ chức như thế nào?” - TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, nêu vấn đề tại cuộc mạn đàm do lãnh đạo các trường ĐH phía Nam tổ chức xung quanh phương án thi năm 2017 ngày 14-9.
Theo TS Nghĩa, điểm khác biệt của phương án thi này so với kỳ thi do ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức là thí sinh làm bài trên giấy… Điều lo lắng nhất hiện nay là bài thi tổ hợp, thí sinh có phải làm hết hay không? Nếu thí sinh chỉ làm hai phần (tức hai môn trong bài) và bỏ một phần có bị liệt không? Nếu bị liệt thì tính liệt bài thi hay liệt kỳ thi?
Thí sinh vừa thi môn toán kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016. Ảnh: PHI HÙNG |
60 câu có đánh giá được năng lực?
Trên quan điểm cá nhân, lãnh đạo nhiều trường ĐH khẳng định bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên (lý - hóa - sinh) và khoa học xã hội (sử - địa - giáo dục công dân) chỉ 60 câu hỏi sẽ không thể đánh giá được năng lực kiến thức học sinh (HS).
Theo TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng ban Công tác sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM, hiện tại HS đang rất lo bài thi tổ hợp vì các em vẫn đang chuẩn bị theo phương thức cũ, quen với hình thức thi theo môn.
“Bộ đã quy định, các trường muốn thay đổi tổ hợp xét tuyển phải thông báo trước ba năm. Nhưng phương án mới đòi hỏi các trường thay đổi tổ hợp xét tuyển có phù hợp với luật chơi không là điều đáng bàn. Nếu được áp dụng ngay, các trường xét tuyển như thế nào?” - bà Mai đặt câu hỏi.
Về lượng câu hỏi bài thi tổ hợp, TS Mai lo lắng: “Mỗi bài thi tổ hợp chỉ có 60 câu làm trong thời gian 90 phút, nghĩa là mỗi môn chỉ có 20 câu là chưa đủ để đánh giá năng lực thí sinh”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hùng Khương, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM), cho biết hiện nay hầu hết giáo viên và HS đều lo lắng. “Chúng tôi đang trong tâm thế chờ đợi phương án thi. Mặc dù trường có lợi thế là HS khá giỏi, giáo viên tốt. Nhưng làm bài thi tổ hợp chắc chắn HS sẽ phải học thêm các môn” - ông Khương cho biết.
Ông Khương cũng tiết lộ trường đã làm một khảo sát với 614 HS lớp 12 thì có tới 543 em chọn bài thi khoa học tự nhiên, 71 em chọn bài thi khoa học xã hội. “Bộ phải sớm công bố phương án chính thức, các trường ĐH cũng sớm công bố phương án xét tuyển như chọn bao nhiêu phần khối thi truyền thống, bao nhiêu phần bài thi tổ hợp để HS còn xoay xở” - ông Khương đề nghị.
Chờ đề thi mẫu của Bộ
Liên quan đến hình thức thi trắc nghiệm môn toán, cô Trần Minh Thùy, tổ trưởng tổ toán Trường THPT Marie Curie (Hà Nội), chia sẻ về mặt tâm lý của giáo viên cũng như HS hiện khá hoang mang, bởi đây là hình thức thi mới lại chưa hề có mẫu đề thi nào được Bộ đưa ra, do vậy rất khó hình dung.
Theo cô Thùy, đề thi của ĐH Quốc gia Hà Nội cũng chưa thực sự hay. Ngoài ra, dạy toán ở bậc THPT điều quan trọng là phải phát triển tư duy cho HS, nếu chuyển sang thi trắc nghiệm thì các em sẽ không quan tâm đến chuyện đó nữa. “Có thể các em sẽ nghĩ ra cách học mẹo làm sao để có được đáp án đúng, những thứ đó không thể thay thế được cho việc tư duy toán học” - cô Thùy nói.
Bên cạnh đó, thi toán bằng hình thức trắc nghiệm thì rất khó có sự công bằng. Bởi trước kia khi chấm bài giáo viên có thể chấm được cả cách làm, cách trình bày, thế nhưng trắc nghiệm thì không thể nhìn thấy điều đó được. Chưa nói đến chuyện thi trắc nghiệm đôi khi HS còn khoanh bừa mà vẫn đúng.
Thầy Hà Văn Thận, giáo viên toán của Trường THPT Bình Sơn, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc), cũng cho rằng nếu thi trắc nghiệm môn toán chắc sẽ không phát huy được hết tư duy sáng tạo của HS. “Nếu hình thức thi thay đổi thì việc dạy và học cũng sẽ phải thay đổi. Tuy nhiên, phía Bộ GD&ĐT chưa đưa ra phương án chính thức, do vậy việc dạy và học của nhà trường vẫn diễn ra như bình thường” - thầy Thận nói thêm.
Thay đổi quá đột ngột! Phụ huynh Nguyễn Quang Lục có con đang học Trường THPT Phú Nhuận (TP.HCM): Tôi bất ngờ với những thay đổi đột ngột và nhiều vấn đề cùng một lúc của Bộ GD&ĐT cho kỳ thi năm tới. Chưa biết đổi mới này có tốt hay không nhưng gây mất sức cho học trò quá. Vì để chuẩn bị cho kỳ thi cuối cấp sắp tới của khối 12, các em đã có một quá trình đầu tư rất nhiều cho các môn mà các em sẽ thi tốt nghiệp cũng như xét ĐH rồi, nay lại thay đổi hoàn toàn thì các em phải làm sao? Kim Ngân, HS lớp 12 Trường THPT Gò Vấp (TP.HCM): Em thấy thi trắc nghiệm môn toán rất thiệt thòi cho những bạn học chuyên toán hoặc muốn xét tuyển vào những trường ĐH có điểm đầu vào cao, nhất là HS lớp 12 vì dù sao kỳ thi cũng vừa để tốt nghiệp vừa để xét tuyển ĐH. Hiện nay các bạn đã quen cách học cũ quá lâu rồi. Hơn nữa, môn toán thể hiện sự thông minh của từng người thông qua cách giải và từng bước giải, còn trắc nghiệm thì ai cũng giống ai, khó phân biệt được người có đầu óc toán học và người không biết gì, nhiều khi còn xảy ra tình trạng đánh lụi điểm cao. ĐTNL, HS Trường THTP Cầu Giấy (Hà Nội): Hiện em và bạn bè khá lo lắng, cá nhân em không đồng tình phương án thi trắc nghiệm môn toán. Em khá yêu thích môn học này, nếu thi trắc nghiệm thì sẽ mất đi tính logic vốn có của toán học. Từ trước tới giờ chúng em đều học và ôn theo cách tự luận, giờ đổi qua trắc nghiệm thì các thầy cô cũng phải đổi cách dạy để có thể giúp HS thi tốt. |