COVID-19 đã chính thức trở thành đại dịch toàn cầu khi ảnh hưởng tới 114 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tổng cộng có hơn 118.000 ca nhiễm bệnh và 4.291 bệnh nhân đã tử vong (tính đến thời điểm WHO công bố đại dịch), theo trang tin Channel News Asia.
Tính đến tối 12-3, Mỹ đang là ổ dịch lớn thứ tám trên thế giới với gần 1.000 trường hợp nhiễm bệnh và 35 người đã chết vì dịch COVID-19.
Thị trường đứng giữa hai xung lực
Dẫn nhận định của các chuyên gia bất động sản (BĐS) Mỹ, tạp chí Bloomberg cho rằng dịch bệnh sẽ đánh mạnh vào thị trường nhà đất bất kể đà tăng trưởng đã được duy trì vững chắc trong nhiều năm qua.
Suy thoái kinh tế sẽ làm giảm doanh số bán nhà và giá nhà đất không những không tăng mà còn giảm nhẹ sau nhiều năm tăng trưởng.
Một khu nhà ở TP Seattle. Ảnh minh họa
Theo Bloomberg, trong vài tuần qua, lãi suất cho vay thế chấp ở Mỹ đã giảm xuống mức thấp kỷ lục. Theo công ty cho vay thế chấp Freddie Mac, lãi suất đang ở mức thấp nhất trong gần 50 năm qua.
Các chuyên gia cho rằng ban đầu, xu hướng này sẽ thúc đẩy các nhà đầu tư chi tiền mạnh tay hơn để hưởng lợi từ lãi suất thấp. Thế nhưng, nếu COVID-19 tiếp tục hoành hành thì việc giảm lãi suất sẽ trở nên không còn quan trọng bởi dịch bệnh kéo dài sẽ làm gia tăng nguy cơ suy thoái kinh tế.
Chuyên gia Mark Zandi, người đứng đầu nhóm chuyên gia kinh tế của công ty tài chính Moody's Analytics, cho rằng nguy cơ xảy ra suy thoái kinh tế là 60%.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Lawrence Yun tại Hiệp hội BĐS quốc gia Realtors dự đoán tỉ lệ này là 40%.
Theo ông Zandi, thị trường nhà đất đang vật lộn với hai xung lực tác động ngược chiều là lãi suất thấp và các rối loạn của thị trường do dịch bệnh. Khi đó, suy thoái kinh tế sẽ làm gián đoạn đà phát triển của thị trường BĐS.
Còn ông Yun thì cho rằng thị trường đang chịu gánh nặng từ lo ngại về dịch COVID-19 và cả những lo ngại về nền kinh tế nói chung.
Lãi suất giảm đột ngột có thể lôi kéo thêm nhà đầu tư tham gia thị trường BĐS. Tuy nhiên, nền kinh tế đang chịu tác động của dịch bệnh sẽ khiến tỉ lệ giao dịch thành công trong ngắn hạn giảm ít nhất là 10%.
Nguồn cung đảo chiều
Một ngôi nhà được rao bán ở Mỹ. Ảnh minh hoạ
Trong nhiều năm qua, xu hướng chung của thị trường nhà đất Mỹ (nhất là ở khu bờ tây) là thiếu hụt nguồn cung, đặc biệt là ở phân khúc nhà ở giá rẻ.
Trong giai đoạn dịch bệnh mới bùng phát, một số chủ sở hữu nhà chọn phương án không chào bán sản phẩm vì sợ giá bán thấp. Họ cố gắng chờ đợi đến lúc cuộc khủng hoảng đi qua. Điều này càng khiến nguồn cung không được cải thiện.
Trong khi đó, người mua nhà lại nuôi hy vọng giá mua sẽ giảm xuống do tác động của dịch bệnh nên dù tham gia tích cực các chương trình giới thiệu căn hộ họ vẫn chỉ xem là chính mà chưa quyết định mua.
Trong tương lai, một khi nền kinh tế đi vào suy thoái, các chủ sở hữu nhà sẽ buộc phải ra quyết định bán.
Chuyên gia kinh tế George Ratiu của chuyên trang mua bán nhà đất Realtor.com nhận định: "Khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại một cách rõ ràng, cộng với việc người dân mất việc làm sẽ gây áp lực lớn lên chủ sở hữu nhà".
Gần đây, số lượng nhà được chào bán trên thị trường đã thay đổi đáng kể. Thay vì thiếu hụt nghiêm trọng, người ta bắt đầu nhìn thấy số lượng BĐS được chào bán tăng mạnh. Các chủ sở hữu sẽ có xu hướng muốn nhanh chóng từ bỏ gánh nặng để thu hồi vốn.