Thị trường bia rượu: DN nội e sợ DN ngoại đổ bộ

Đặc biệt với trường hợp chuyển giá như Coca Cola và một số hãng cà phê nổi tiếng, cùng với các chính sách thuế đặc thù, doanh nghiệp (DN) Việt Nam sợ rằng trong 10 năm tới, các thương hiệu bia Việt sẽ bị “thui chột” ngay chính trên thị trường nội địa.

Đó là trăn trở của các DN tại hội thảo “Cạnh tranh lành mạnh để bảo vệ người tiêu dùng và thương hiệu Việt”, do Hiệp hội Bia, Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) tổ chức ngày 14-5 ở Hà Nội

Khó vì chi phí quảng cáo   

Là một trong những DN lớn của ngành bia rượu, ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Bia, Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), cho biết hiện nay trong các nhóm cạnh tranh thị trường thì nhóm cạnh tranh không lành mạnh được thể hiện rõ qua hàng hóa đồ uống: hàng giả với rượu, quảng cáo với bia. Các hình thức quảng cáo tràn lan, bán phá giá (hình thức mua một tặng ba) và mua bán độc quyền các thương hiệu nước ngoài đang gây ra khó khăn cho DN Việt.

Trước hết theo ông Tuất, với chính sách khống chế phí quảng cáo, marketing 10% làm cho DN nội không thể cạnh tranh được với các hãng nước ngoài. Các DN ngoại được áp cách tính kế toán theo chuẩn nước ngoài nên họ thoải mái bỏ ra khoản tiền lớn cho chi phí hoạt động quảng bá thương hiệu, còn DN trong nước thì chỉ được chi 10%. “Nếu chúng tôi huy động thêm thì bị tính theo thuế thu nhập 25%. Như vậy DN Việt bị đối xử không công bằng với DN nước ngoài. Do đó, họ cạnh tranh trên tất cả mặt trận, ví dụ thỏa thuận miệng với các chủ quán độc quyền thương hiệu và “boa” thêm chi phí cả trăm triệu đồng hằng năm, trong luật không quy định cấm việc này” - ông Tuất chia sẻ.

Bia ngoại đã xuất hiện rất nhiều tại thị trường Việt Nam.

Với khoản tiền lớn không bị khống chế, vị này lo lắng các DN nước ngoài quá được ưu đãi. Trong khi đó các DN nội như Sabeco phải chịu rất nhiều khoản thuế phải nộp cho ngân sách như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế TNDN, thuế nhập khẩu và thuế cổ tức cũng nộp về Nhà nước. “Với cách quản lý thu chi phí của ngành thuế là quá lạc hậu, đáng ra bây giờ cần quản qua hoạt động lợi nhuận, doanh thu để kích thích DN thì hợp lý hơn. Đối với DN bia, nếu quy định khống chế 10% thì sẽ khóa tay DN, với tình thế này, khoảng 10 năm nữa các DN trong nước sẽ “thui chột”, không bảo vệ nổi thương hiệu” - đại diện Sabeco dự báo.

Theo tính toán chi phí của vị này, với DN bia thì 10% cho quảng cáo không bao giờ đủ, thậm chí các DN nước ngoài dùng đến trên 30% chi phí này. “Do đó cơ quan quản lý không thể cào chung mức phí với các DN, cách quản lý nên theo từng lĩnh vực, không ai quản lý chi phí trên chi phí mà phải quản trên doanh thu, đó là kỹ thuật chính sách. Đó là kích thích DN” - ông này đề xuất.

DN nội dễ lép vế

Ngoài ra, theo ông Tuất, sự đổ bộ của nhiều DN bia nước ngoài sẽ tạo ra những áp lực, thách thức cho các thương hiệu nội. Ông dẫn chứng Tập đoàn Masan mua Nhà máy bia Phú Yên với giá 27 triệu USD là chiêu thức kinh doanh mới của các “đại gia” nước ngoài, cách thức này rất “khôn” bởi họ sẽ được ưu đãi về đầu tư, thuế, rút ngắn các thủ tục cấp phép. Thay vào đó họ chỉ thay đổi công nghệ. Cách làm này giống như Carlsberg với Nhà máy bia Huda Huế. Đây là cách đầu tư nhanh nhất của DN ngoại vào Việt Nam.

Tương tự, ông Tuất cũng lo ngại với Tập đoàn ABInBev (thương hiệu bia Budweiser) tuyên bố sẽ tham gia thị trường Việt Nam vào năm 2014 bởi với tiềm lực tài chính doanh thu 40 tỉ USD sẽ là trở ngại cho DN Việt Nam trong cạnh tranh.

Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA, khẳng định sự cạnh tranh của các “ông lớn” nước ngoài khiến cho DN trong nước tồn tại chỉ có số ít. Gần đây thương hiệu Tribeco rơi vào tay Tập đoàn Uni-President, cổ đông lớn nhất của Tribeco Sài Gòn, trước khi giải thể, đây là nạn nhân của cuộc chơi đầy toan tính của các DN lớn nước ngoài.

Do đó, ông này đề xuất cơ quan quản lý sớm ban hành và bổ sung các quy định để tăng cường quản lý, giám sát, kiểm tra, xử lý trong việc thực thi các chính sách thuế, đầu tư, cạnh tranh, thương hiệu,… Nên chăng có quy định những DN lỗ kéo dài không được mở rộng sản xuất cùng mặt hàng đó. Xem xét điều chỉnh các quy định về chi phí quảng cáo để đáp ứng nhu cầu thực tế và phù hợp khả năng tài chính của DN. Tăng cường kiểm soát chế độ khuyến mại để cạnh tranh sự lách luật chống bán phá giá, đặc biệt là hình thức tặng hàng không thu tiền.

Việt Nam: Thị trường không thể bỏ qua

Theo báo cáo mới nhất từ Bộ Công Thương ngành bia, rượu, nước giải khát, sản lượng sản xuất bia các loại tháng 4 ước đạt 233,4 triệu lít, tăng 14,6% so với tháng 4-2012. Tính chung bốn tháng sản xuất bia các loại ước đạt 827,5 triệu lít, tăng 14,9% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, sản lượng rượu ước đạt 4,8 triệu lít, sản lượng nước giải khát các loại ước đạt gần 19,7 triệu lít, trong đó sản phẩm của Tổng Công ty CP Bia, Rượu - Nước giải khát Sài Gòn ước đạt 12,6 triệu lít, tăng 39,0% so với cùng kỳ.

Trong khi đó theo thống kê của Hiệp hội Bia rượu Việt Nam, năm 2012 mức tiêu thụ của người Việt Nam là 2,38 tỉ lít bia, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước.

Có thể thấy với mức tiêu thụ tại Việt Nam như vậy nên thị trường này đã khiến các công ty bia ngoại lớn không thể làm ngơ.

Vì vậy, Aneuser-Busch Inbev (AB Inbev) đã lên kế hoạch vào Việt Nam khi xây dựng nhà máy vào năm 2014.

Cũng không kém tầm nhìn xa, Tập đoàn Masan đã chi 252 tỉ đồng đang tiến hành mua hãng bia của Phú Yên.

Tuy nhiên, các công ty trong nước cũng phần nào vẫn có vai trò. Nghiên cứu của Công ty Monitor Internation cho thấy Sabeco chiếm 34% và Habeco là 19%.

Cho nên một loạt các thương hiệu như Sapporo, Asahi của Nhật cũng đã góp mặt vào thị trường này. Riêng bia Heineken vẫn xem Việt Nam là thị trường chính yếu của mình.

Theo số liệu các công ty nghiên cứu thị trường, Việt Nam với mức tiêu thụ trung bình khoảng 2,7 tỉ lít bia/năm (khoảng 24 lít/đầu người/năm), Việt Nam đã trở thành nước thứ ba có lượng tiêu thụ bia cao nhất châu Á, sau Nhật và Trung Quốc.

TÚ UYÊN

TRÀ PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới