Thị trường lao động TP.HCM khởi sắc những tháng cuối năm

(PLO)- Dự kiến nhu cầu nhân lực quý IV năm 2023 cần khoảng 75.500 – 81.500 chỗ làm việc, tập trung ở khu vực thương mại dịch.

Trong những tháng cuối năm 2023, tình hình sản xuất, kinh doanh của một số doanh nghiệp vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn tuy nhiên thị trường lao động có tín hiệu khởi sắc do nhu cầu tiêu dùng trong dịp Lễ, Tết.

Từng bước phục hồi và phát triển

Theo báo cáo của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thị trường lao động (Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) quý III năm 2023 thị trường lao động TP.HCM có nhiều biến động. Bên cạnh những khó khăn, thách thức, cũng đã ghi nhận một số tín hiệu tích cực.

Theo đó, nhiều doanh nghiệp tìm được đơn hàng mới, nhu cầu tuyển dụng có nhiều khởi sắc trong một số lĩnh vực như bán buôn và bán lẻ; dịch vụ lưu trú và ăn uống; xây dựng nhà các loại; công nghệ và sản xuất thiết bị điện; sản xuất sản phẩm cơ khí;...

nhu-cau-lao-dong.jpg
Thị trường lao động TP.HCM có tín hiệu khởi sắc vào những tháng cuối năm. Ảnh: VÕ THƠ

Trong những tháng cuối năm 2023, tình hình sản xuất, kinh doanh của một số doanh nghiệp sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thử thách, đặc biệt là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thâm dụng lao động.

Tuy nhiên, nhìn chung về kinh tế - xã hội TP cũng đã đạt một số kết quả tích cực, với số doanh nghiệp quay trở lại sản xuất, kinh doanh và doanh nghiệp thành lập mới tăng lên đã mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động.

Mặt khác, hoạt động đầu tư công, xuất khẩu được đẩy mạnh, thêm vào đó doanh nghiệp tăng cường sản xuất, kinh doanh để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Lễ, Tết cũng góp phần làm cho thị trường lao động ấm dần lên với những bước phục hồi và phát triển tuy quá trình diễn ra còn chậm.

Giải quyết việc làm, tạo việc làm mới tăng

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, từ đầu năm đến nay đã giải quyết việc làm cho 242.812/300.000 lượt người (đạt 80,74% kế hoạch). Trong đó số chỗ việc làm mới là 107.368/140.000 chỗ (đạt 76,69% kế hoạch). So với cùng kỳ năm 2022, tỷ lệ giải quyết việc làm tăng 0,24%, tỷ lệ tạo việc làm mới tăng 0,3%.

Tính đến ngày 1-9-2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM đã tổ chức 107 phiên, sàn giao dịch việc làm trực tuyến, tư vấn giới thiệu việc làm cho 127.206 lượt người và có 78.611 người nhận việc.

nhu-cau-lao-dong1.jpg
Lao động mất việc tìm kiếm cơ hội mới tại các sàn giao dịch việc làm. Ảnh: VÕ THƠ

Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu mừng, số lượng người hưởng trợ cấp thất nghiệp vẫn còn cao. Cụ thể, tiếp nhận 166.266 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, ban hành quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 112.067 người lao động (so với cùng kỳ năm 2022, số lao động nghỉ việc tại các doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng 10.323 trường hợp, tỉ lệ tăng 9,74 %).

Từ đầu năm đến nay, tiếp nhận thông báo cho người lao động thôi việc của 40 doanh nghiệp là 3.730 người/39.512 người; tăng 23 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2022, số lao động mất việc tăng 3.580 người.

Theo kết quả khảo sát quý III năm 2023 của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, nhu cầu nhân lực tập trung chủ yếu ở khu vực thương mại-dịch vụ với 51.533 chỗ làm việc, chiếm 73,67% tổng nhu cầu nhân lực; khu vực công nghiệp – xây dựng với 18.404 chỗ làm việc, chiếm 26,31%; khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản với 14 chỗ làm việc, chiếm 0,02%.

Nhu cầu nhân lực và nhu cầu tìm việc của người lao động tập trung chủ yếu các ngành nghề như kinh doanh thương mại; dịch vụ phục vụ cá nhân, bảo vệ; kinh doanh quản lý tài sản – bất động sản; dịch vụ tư vấn – nghiên cứu khoa học và phát triển…

Nhu cầu tìm việc của người lao động chủ yếu ở các ngành nghề như kinh doanh thương mại; hành chính – văn phòng – Biên phiên dịch; quản lý điều hành; kế toán – kiểm toán, Marketing

Dự kiến nhu cầu nhân lực quý IV năm 2023 cần khoảng 75.500 – 81.500 chỗ làm việc. Trong đó, tập trung ở khu vực thương mại dịch vụ chiếm 70,13% tổng nhu cầu nhân lực.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm