Người lao động ở các địa phương phía Nam đi làm việc ở nước ngoài thấp

(PLO)- Số lượng người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài thông qua các chương trình trong cơ cấu chung còn thấp, một số tỉnh chỉ chiếm từ 3-4%.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 29-8, tại TP Cần Thơ, Bộ LĐ-TB&XH đã chủ trì Hội thảo thúc đẩy đưa người lao động (NLĐ) các địa phương phía Nam đi làm việc ở nước ngoài thông qua chương trình phi lợi nhuận.

Theo báo cáo, 23 tỉnh, TP phía Nam có tiềm năng, nguồn lực lao động rất lớn. Thời gian qua, công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài được sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, các ngành ở địa phương. Hầu hết, các địa phương đều có chính sách hỗ trợ đối với NLĐ đi làm việc ở nước ngoài.

Thống kê cho thấy NLĐ của các địa phương phía Nam tham gia đi làm việc ở nước ngoài còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu. Ảnh: PHẠM THẮM

Thống kê cho thấy NLĐ của các địa phương phía Nam tham gia đi làm việc ở nước ngoài còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu. Ảnh: PHẠM THẮM

Tuy nhiên, thống kê của Trung tâm Lao động ngoài nước, NLĐ của các địa phương tham gia còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài. Cụ thể, số lượng người lao động của 23 tỉnh, thành phố phía Nam chỉ chiếm 10% số lượng lao động đưa đi của Trung tâm.

Cạnh đó, số lượng NLĐ đi làm việc ở nước ngoài thông qua các chương trình của Trung tâm trong cơ cấu chung còn thấp, một số tỉnh như Đồng Tháp, Long An chỉ chiếm từ 3-4%. Mặt khác, tỉ lệ lao động là sinh viên, học viên các trường cao đẳng nghề tham gia tuyển chọn lao động có tay nghề đi làm việc ở nước ngoài cũng không cao.

“Từ năm 2018 đến nay, qua bốn kỳ tuyển chọn thí điểm lao động tay nghề Hàn theo Chương trình EPS, Trung tâm không tuyển được sinh viên nào từ các trường dạy nghề phía Nam” - báo cáo thể hiện.

Từ thực tế đó, Trung tâm Lao động ngoài nước đề nghị các địa phương xây dựng kế hoạch đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với tình hình của từng địa bàn, nhu cầu và thế mạnh của NLĐ.

Ngoài ra, các tỉnh có biển như Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang... có thể định hướng cho NLĐ ven biển đi làm việc trong ngành ngư nghiệp. Đây là ngành mà phía Hàn Quốc có nhu cầu lớn, mức cạnh tranh thấp.

Mặt khác, xây dựng mạng lưới NLĐ hồi hương, tạo diễn đàn cho NLĐ chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau trong việc chuẩn bị các kỹ năng cần thiết để tìm kiếm việc làm, ý tưởng khởi nghiệp phù hợp với khả năng.

Đồng thời, đẩy nhanh công tác chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu NLĐ đi làm việc ở nước ngoài hết hạn hợp đồng về nước. Từ đó, kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu với các đơn vị chức năng thuộc Bộ để tư vấn, giới thiệu việc làm phù hợp.

Ông Nguyễn Bá Hoan, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đề nghị cơ quan chức năng cần thông tin kịp thời kế hoạch tuyển chọn lao động để NLĐ biết và tham gia. Ảnh: PHẠM THẮM

Ông Nguyễn Bá Hoan, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đề nghị cơ quan chức năng cần thông tin kịp thời kế hoạch tuyển chọn lao động để NLĐ biết và tham gia. Ảnh: PHẠM THẮM

Phát biểu kết luận Hội thảo, ông Nguyễn Bá Hoan, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH giao Trung tâm lao động nước ngoài phối hợp với các Sở LĐ-TB&XH, Trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh, TP phía Nam tăng cường công tác thông tin, quảng bá các chương trình.

Theo đó, thông tin kịp thời kế hoạch tuyển chọn lao động để NLĐ biết và tham gia, cạnh đó, có phương án tuyển chọn đúng đối tượng, phù hợp với tình hình và đặc thù của các địa phương.

Ông Hoan cũng đề nghị các Sở LĐ-TB&XH tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh, TP bố trí nguồn kinh phí để hỗ trợ hoặc cho NLĐ vay vốn để học nghề, ngoại ngữ, trang trải các chi phí khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Từ năm 2017 đến nay, số lao động các tỉnh phía Nam xuất cảnh đi làm việc ở Hàn Quốc là 11.918 người, chiếm tỉ lệ 9,6% so cả nước. Thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản theo chương trình IM Japan chỉ có 335 người, chiếm tỉ lệ 9,6% so cả nước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm