Đồng Tháp: Lao động ở nước ngoài gửi về 1.500 tỉ đồng/năm

(PLO)- Ước tính nguồn thu nhập bình quân của người lao động Đồng Tháp đi làm việc ở nước ngoài gửi về gia đình mỗi năm khoảng 1.500 tỉ đồng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thực hiện Chỉ thị 16-CT/TW của Ban bí thư, với quyết tâm thay đổi nhận thức và đời sống của người dân, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Chương trình hành động 198-CTr/TU ngày 10-10-2014 về lãnh đạo đẩy mạnh hoạt động đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Cuối năm 2021, Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong đã ký Kết luận 246/KL tiếp tục đẩy mạnh lãnh đạo đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu trong giai đoạn này của Đồng Tháp là mỗi năm đưa bình quân 1.500 NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có NLĐ đi làm việc ở nước ngoài.

Người lao động về nước đúng hạn

Theo ông Nguyễn Văn Vũ, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp, giai đoạn 2014-2022, toàn tỉnh đã đưa hơn 11.000 NLĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, chủ yếu ở các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Ước tính nguồn thu nhập bình quân của NLĐ đi làm việc ở nước ngoài gửi về gia đình mỗi năm khoảng 1.500 tỉ đồng.

Phần lớn NLĐ hết hạn hợp đồng ba năm về nước đúng hạn đã trả hết nợ vay và tích lũy được số tiền khá lớn từ 600 triệu đồng trở lên, giúp gia đình vươn lên khá giàu và tự tin tham gia khởi nghiệp tại địa phương. Xuất khẩu lao động (XKLĐ) không chỉ giúp cho nhiều gia đình thoát nghèo bền vững, gia đình trung bình trở lên khá, mà còn làm thay đổi bộ mặt nông thôn của tỉnh.

Từ những kết quả đạt được, Đồng Tháp tiếp tục ban hành các chủ trương và chính sách về tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Một trong những giải pháp quan trọng đó là chính sách hỗ trợ NLĐ đi làm việc ở nước ngoài như: Hỗ trợ kinh phí học giáo dục định hướng, nghề, ngoại ngữ, khám sức khỏe… cho người tham gia lao động ở nước ngoài (hiện hỗ trợ 7,5 triệu đồng/người).

Đồng Tháp có nhiều chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài như hỗ trợ kinh phí học giáo dục định hướng, nghề, ngoại ngữ… Ảnh: CTV
Đồng Tháp có nhiều chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài như hỗ trợ kinh phí học giáo dục định hướng, nghề, ngoại ngữ… Ảnh: CTV

Từ năm 2014 đến nay đã hỗ trợ cho 8.966 NLĐ từ nguồn ngân sách của tỉnh. Bên cạnh đó, NLĐ khi tham gia lao động tại nước ngoài còn được hỗ trợ vay tín chấp (90%-100% phí xuất cảnh) với lãi suất thấp.

Đặc biệt Đồng Tháp thực hiện cơ chế một đơn vị đầu mối làm nhiệm vụ cung ứng lao động kết nối với các doanh nghiệp XKLĐ để tiếp nhận thông tin tuyển dụng, thẩm định đơn hàng lao động khi làm việc ở nước ngoài đã hạn chế được việc phát sinh ảnh hưởng rủi ro đến NLĐ, giúp NLĐ đi làm việc đúng hợp đồng, có thu nhập cao, công việc ổn định. Mô hình này cũng loại bỏ việc cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị tuyển dụng nguồn lao động trong cùng địa phương, không để xảy ra hiện tượng “cò”, môi giới, tốn kém chi phí cho NLĐ.

Cần thiết xây dựng thương hiệu cho NLĐ Đồng Tháp

Cũng theo ông Nguyễn Văn Vũ, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp, với số lượng lớn NLĐ đi làm việc ở nước ngoài, ngay từ đầu trung tâm đã có nhiều biện pháp nhằm hạn chế việc NLĐ bỏ trốn, hạn chế các vi phạm của NLĐ trong thời gian làm việc ở nước ngoài.

Theo đó, đơn vị tổ chức tư vấn cho NLĐ nắm rõ về mục đích, quyền lợi, nghĩa vụ cũng như những thuận lợi, khó khăn khi tham gia làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh đó, giáo dục định hướng cho NLĐ về văn hóa, phong tục nước đến làm việc; tuyên truyền về những quy định pháp luật về xử lý NLĐ vi phạm khi tham gia XKLĐ, hạn chế việc NLĐ thiếu hiểu biết, tự ý phá vỡ hợp đồng bỏ trốn ra ngoài làm việc.

Không dừng lại ở mục đích đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài để giải quyết việc làm, tăng thu nhập, Đồng Tháp còn xác định đây là nguồn nhân lực lâu dài, chất lượng cao, đóng góp cho sự phát triển của địa phương trong thời gian tới.

Ông Vũ cho biết thêm Đồng Tháp xác định chất lượng lao động là yếu tố then chốt tạo sự bền vững của công tác đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài và cần thiết phải xây dựng thương hiệu cho NLĐ Đồng Tháp. Để làm được điều này, NLĐ cần phải được trang bị kỹ năng nghề, trang bị nhiều kiến thức cơ bản về đất nước, con người nước sở tại và đặc biệt là kỷ luật lao động.

Nhằm khuyến khích và hỗ trợ NLĐ về nước tham gia khởi nghiệp, Đồng Tháp đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ khởi nghiệp. Điển hình là thành lập trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp để hỗ trợ NLĐ trong tỉnh tham gia khởi nghiệp, trong đó chú trọng NLĐ hoàn thành hợp đồng lao động ở nước ngoài về nước.

Đồng Tháp xác định đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài là “Đi làm thuê - Về làm chủ” và phương châm này được quán triệt trong cả hệ thống chính trị, đồng thời tỉnh đã ban hành chính sách về hỗ trợ NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Tỉnh xác định đẩy mạnh hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động là yêu cầu khách quan, là một trong các giải pháp chủ yếu của quá trình tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của tỉnh, có tính chiến lược lâu dài nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Đồng Tháp.

Từ đầu năm đến nay, Đồng Tháp đã có hơn 1.500 NLĐ xuất cảnh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, tập trung chính vào các thị trường có thu nhập cao như Nhật Bản (1.376 NLĐ), Hàn Quốc và Đài Loan. Sau khi trừ các khoản phí cần thiết mỗi NLĐ tích lũy hơn 20 triệu đồng/tháng trở lên. Riêng số NLĐ đi làm việc theo mùa vụ ba tháng tại Hàn Quốc sau khi về nước, trừ các khoản chi phí thì mỗi NLĐ có thu nhập 80-100 triệu đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm