Chiều 13-7, kỳ họp giữa năm HĐND tỉnh Hậu Giang, tiếp tục diễn ra với phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Đại biểu Huỳnh Thị Ngọc Hường (đơn vị TP Vị Thanh) chất vấn Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hậu Giang về tình hình xuất khẩu lao động. Ảnh: TT |
Trước câu hỏi của đại biểu về tình trạng lừa đảo trong xuất khẩu lao động (XKLĐ) trên địa bàn tỉnh, ông Trần Thanh Liêm, Giám đốc Sở LĐTB &XH đã có giải trình.
Theo đó, 6 tháng đầu năm 2023, Hậu Giang đưa được 441 lao động đi làm việc nước ngoài, còn 331 lao động đang hoàn tất hồ sơ để chuẩn bị bay.
Ông Liêm cũng thừa nhận, thời gian qua trên địa bàn tỉnh Hậu Giang có xảy ra tình trạng một số cá nhân, một số DN vận động, môi giới đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài bất hợp pháp. Sở đã cử Thanh tra đến các huyện để xác minh, nắm tình hình, qua đó chỉ có 2/8 địa phương xảy ra tình trạng này.
Ông ông Trần Thanh Liêm, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hậu Giang trả lời đại biểu tại phiên chất vấn, trả lời chất vấn của HĐND tỉnh Hậu Giang. Ảnh: BẢO BẢO |
Cụ thể, tại huyện Long Mỹ có một người có con thành lập DN ở Nhật Bản khoảng 20 năm. Từ đó, người này về vận động thân nhân, gia đình và bà con hàng xóm để đưa lên DN đào tạo rồi đi lao động nước ngoài.
Tại huyện Vị Thủy, lãnh đạo Sở đã yêu cầu trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện báo cáo về tình hình có một số đối tượng trên địa bàn huyện vận động người dân đi lao động thời vụ ở Hàn Quốc với mức lương ban đầu khoảng 50 triệu đồng/tháng.
“Đối với huyện Long Mỹ, Sở cũng đã làm việc trực tiếp và yêu cầu cung cấp đầy đủ hồ sơ của DN có đảm bảo chức năng đưa người lao động đi nước ngoài hay không? Còn đối với huyện Vị Thủy, hôm qua Sở được biết lãnh đạo UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chức năng nắm tình hình, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý” - ông Liêm thông tin thêm.
Về giải pháp thời gian tới, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hậu Giang cho biết sẽ quán triệt các văn bản của trung ương và địa phương về XKLĐ. Cạnh đó, Sở cũng sẽ tranh thủ tìm kiếm mở rộng thị trường, đồng thời tăng cường tuyên truyền để người dân nắm đầy đủ thông tin về thị trường lao động. Đồng thời, lựa chọn DN đầu mối có uy tín, chất lượng để đảm bảo khi đưa người lao động đi nước ngoài làm việc, tránh các rủi ro xảy ra.
“Sở cũng đang nghiên cứu, dự kiến tham mưu UBND tỉnh trình HĐND chính sách liên quan đến du học sinh, đó là vừa đào tạo, vừa lao động. Vừa qua, Sở cũng đã ký một thỏa thuận với một trường Đại học ở Hàn Quốc. Tháng 8 tới đây một đơn vị dự kiến đăng ký gặp Chủ tịch UBND tỉnh và Giám đốc Sở để tiếp tục ký kết khá toàn diện trên các lĩnh vực về kinh tế, văn hóa, xã hội, đào tạo nghề...” - ông Liêm cho biết thêm
Về thu nhập của người lao động đi làm việc nước ngoài, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hậu Giang tiết lộ: “Thị trường cao nhất hơn 30 triệu đồng/tháng, thị trường thấp nhất hơn 15 triệu đồng/tháng. Người lao động sau một thời gian về đã tích lũy, có người sắm sửa được nhà cửa, mua được phương tiện, mặc dù không lớn”.