Chiều 27-7, Bộ GD&ĐT đã có công văn yêu cầu ngay sau khi Bộ công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn), các trường ĐH, CĐ căn cứ vào tình hình thực tế công bố công khai điều kiện nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển đợt 1, trong đó thông báo rõ mức điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển (điểm chuẩn) vào các ngành đào tạo trước ngày 1-8.
Án binh “ngóng” điểm sàn
Trước đó, ngày 26-7, phổ điểm các môn thi và các khối thi truyền thống A, A1, B, C, D, D1 của thí sinh cũng đã được công bố và các chuyên gia đánh giá là khá thấp. Tuy nhiên, nhiều trường tốp trên lại khá dè dặt khi đưa ra thông tin về ngưỡng điểm dự kiến nhận hồ sơ xét tuyển.
Mặc dù chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm của Trường ĐH Luật TP.HCM không lớn, tuy nhiên GS-TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng trường này, cho rằng trường cần tính toán về mức điểm sàn để tuyển đủ thí sinh.
“Thời điểm này trường chưa thể thông tin mức điểm sàn dự kiến. Tuy nhiên, mức điểm năm nay sẽ không cao hơn năm trước” - GS Quỳ nói. Năm 2015, điểm chuẩn cao nhất vào ĐH Luật TP.HCM là ngành quản trị - luật với 23,7 điểm, thấp nhất là ngành ngôn ngữ Anh 20,5 điểm.
Nhiều thí sinh có điểm khá cao (22-24 điểm) định hướng vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM nóng lòng muốn biết ngưỡng điểm trường nhận hồ sơ xét tuyển. ThS Nguyễn Văn Đương, Phó Trưởng phòng Đào tạo của trường, xác nhận hiện trường chưa thể có điểm sàn nhưng dự kiến bằng hoặc thấp hơn năm ngoái chút ít.
Thí sinh, phụ huynh tìm hiểu thông tin tuyển sinh và tham khảo điểm sàn từ các trường ĐH, CĐ trước khi nộp hồ sơ xét tuyển. Ảnh: P.ĐIỀN
Điểm chuẩn dự kiến giảm
TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, nhận xét: Điểm ngoại ngữ kỳ thi THPT năm 2016 rất thấp, mặc dù điểm còn tùy thuộc vào việc ra đề nhưng có đến 60% bài thi chưa nhìn thấy điểm 3 thì phổ điểm này rất thấp. Kế đến điểm bài thi môn lịch sử cũng khá thấp. Nếu chỉ đơn thuần nhìn vào phổ điểm, bỏ qua các “biến” khác thì có thể khẳng định điểm sàn và điểm chuẩn các tổ hợp các môn thi sẽ giảm.
Theo TS Lý, có sự khác nhau về điểm sàn của các tổ hợp. Dự báo có thể mức sàn là 15 cho những tổ hợp môn có phổ điểm gồm A, B và không dưới 14 điểm cho những tổ hợp có phổ điểm thấp hơn gồm A1, D1…
TS Nguyễn Thiên Tuế, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, đánh giá: Nhìn chung phổ điểm năm nay không cao hơn năm ngoái. Theo đó, để đảm bảo chỉ tiêu tuyển sinh, trường sẽ nhận hồ sơ xét tuyển bằng ngưỡng điểm chất lượng đầu vào Bộ GD&ĐT quy định, lấy từ cao đến thấp đến khi đủ chỉ tiêu. Trường hợp nhiều thí sinh có mức điểm ngang nhau sẽ xét tiêu chí phụ. Trong đó, xét tuyển đợt 1, trường dành 80% chỉ tiêu xét tuyển nguyện vọng 1 và 20% chỉ tiêu dành cho nguyện vọng 2. Trường hợp thí sinh rớt nguyện vọng 1 thì trường sẽ đưa vào xét tuyển cùng lúc với thí sinh đăng ký nguyện vọng 2.
Theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, căn cứ vào phổ điểm thi THPT quốc gia 2016, khả năng điểm chuẩn năm nay của trường sẽ giảm so với năm 2015 từ 0,5 đến 1 điểm, tùy vào từng ngành.
Lưu ý tiêu chí phụ Một thí sinh đến từ huyện Mỏ Cày Bắc, Bến Tre đạt điểm khá cao (23 điểm) tổ hợp văn, sử, địa băn khoăn khi có định hướng vào ngành tiếng Anh, tuy nhiên kỳ thi THPT vừa rồi tại cụm thi này không thi môn tiếng Anh mà thay bằng môn khác. Như vậy khi đăng ký xét tuyển vào ngành tiếng Anh có sử dụng tiêu chí phụ bằng tiếng Anh, cơ hội cạnh tranh với các thí sinh khác sẽ như thế nào? TS Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM), trả lời: Đối với những trường sử dụng tiêu chí phụ môn tiếng Anh, nếu thí sinh không thi môn này thì coi như mất cơ hội xét tuyển theo tiêu chí phụ trong trường hợp bằng điểm nhiều thí sinh khác. Đây là một điểm các thí sinh ở vùng sâu, vùng xa có ý định theo học các ngành tiếng Anh cần lưu ý. |