Dự án metro số 1 đang được triển khai khá thuận lợi với nhiều hạng mục của bốn gói thầu sắp hoàn thành thì lại gặp khó do dịch COVID-19 bùng phát trở lại. Theo đó, nhiều chuyên gia chưa thể nhập cảnh vào Việt Nam để hoàn thành các giai đoạn quan trọng của dự án.
Đang kiểm soát tốt tiến độ các gói thầu
Theo ghi nhận của PV, các nhà thầu và đơn vị thi công vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh tiến độ dự án dù dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Tại ga Ba Son - một trong ba ga ngầm của tuyến metro số 1, các kỹ sư, công nhân vẫn đang tích cực làm việc và tuân thủ các quy tắc về phòng, chống dịch.
Anh Hoàng Văn Nhân, công nhân dự án, cho biết: “Buổi sáng trước khi vào làm, công nhân và kỹ sư đều được tập thể dục, nghe phổ biến quy định và nhận phân công công việc. Trong đó, công tác phòng, chống dịch COVID-19 luôn được anh em chú ý”.
Tại đây, các công nhân thực hiện nhiều công đoạn như ốp gạch, lắp đặt đường ray, thi công lối lên xuống nhà ga, tái lập hầm đào hở.
Đồng thời, đường ray nối ga Ba Son với ga Nhà hát TP (thuộc gói thầu CP1b) đã kết nối thông suốt, đường ray được hoàn thiện.
Ban quản lý đường sắt đô thị (MAUR) cho biết tổng khối lượng toàn tuyến metro số 1 đã đạt 74,4%.
Trong đó, gói thầu CP1a (ga ngầm Bến Thành đến ga Nhà hát TP) đang tiến hành thi công các hạng mục kết cấu như: Gia công, lắp đặt thép; đổ bê tông sàn trung gian, tường, cột CFT; đang hoàn thiện cầu thang, thi công lối lên xuống. Gói thầu này đạt 72,4% tiến độ.
Gói thầu CP1b (ga Nhà hát TP đến ga Ba Son) đang tiến hành thi công lối lên xuống các ga, tháp làm lạnh, tháp thông gió và đã đạt 85,7% tiến độ.
Gói thầu CP2 (đoạn trên cao và depot) đang được kiểm soát tốt tiến độ, chất lượng thi công; đơn vị thi công đang thúc đẩy việc bàn giao cho chủ đầu tư các hạng mục cần thiết để sớm tiếp cận với gói thầu CP3. Tiến độ gói thầu này đã đạt gần 85%.
Gói thầu CP3 (mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy, toa xe và bảo dưỡng) đã đạt 58,2%. Hiện gói thầu này đang lắp ray tàu từ ga Nhà hát TP đến ga Ba son.
Các công nhân đang thi công tại ga Ba Son thuộc dự án metro số 1. Ảnh: hoàng giang
Chuyên gia chưa thể nhập cảnh vào Việt Nam
Theo MAUR, trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát trở lại và có diễn biến phức tạp thì việc nhập cảnh của các chuyên gia vào Việt Nam chưa thể thực hiện như dự kiến trước đó. Đây là một khó khăn, thử thách lớn đối với dự án lúc này.
Cụ thể, theo dự kiến, nhà thầu Hitachi đã chuẩn bị các thủ tục để đưa chuyên gia nhập cảnh vào Việt Nam nhằm hoàn thành gói thầu CP3.
Trong đó, Hitachi đã có công văn đề nghị hỗ trợ, tạo điều kiện cho 82 chuyên gia làm việc tại văn phòng dự án của Hitachi nhập cảnh dài hạn vào Việt Nam. Các chuyên gia này sẽ tham gia công tác lắp đặt gói thầu cơ, điện và đầu máy, toa xe.
Tuy nhiên, hiện nay các nhân sự Hitachi dự kiến huy động cũng chưa thể vào Việt Nam.
Tương tự, về lắp đặt đường ray, Hitachi cũng chưa thể huy động chuyên gia cần thiết để thực hiện. Việc này gây ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu tăng cường nguồn nhân lực cho công tác lắp đặt đường ray - một công đoạn rất quan trọng của dự án và là ưu tiên hàng đầu hiện nay.
Trong khi đó, một số nhân viên văn phòng dự án của Hitachi đã đến Nhật Bản để tham gia thử nghiệm đoàn tàu, đào tạo tại nhà máy, song cũng khó di chuyển do các quy định về cách ly tại Nhật Bản. Các trường hợp này cũng cần chính sách hỗ trợ từ phía Việt Nam để các nhân viên này có thể nhập cảnh trở lại Việt Nam.
Để giải quyết các vấn đề trên, MAUR cho hay trước tiên đơn vị sẽ làm việc lại cụ thể với đối tác Nhật Bản. Sau khi tìm ra hướng gỡ vướng, MAUR sẽ kiến nghị UBND TP và Chính phủ xem xét.
Đồng thời, trong thời gian chờ các chuyên gia về nước, MAUR và các nhà thầu vẫn tiếp tục đẩy mạnh tiến độ thi công các hạng mục khác.
Đã từng có giải pháp đưa chuyên gia về Việt Nam Hồi cuối tháng 6, trong buổi làm việc với TP.HCM về hướng gỡ vướng cho metro số 1, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị TP.HCM cần chủ động cho các chuyên gia nước ngoài quay lại Việt Nam nhằm đưa metro số 1 hoàn thành đúng tiến độ. Về vấn đề này, MAUR cũng kiến nghị: Đối với các chuyên gia đã được quốc gia cư trú xác định âm tính và được phép xuất cảnh, việc cách ly 14 ngày theo quy định của Bộ Y tế sẽ được thực hiện tại nơi cư trú của chuyên gia gần công trường. Việc cách ly này được thực hiện dưới sự giám sát của cơ quan y tế chuyên môn tại địa bàn, song song với quá trình làm việc, giám sát thi công, lắp đặt… của chuyên gia qua các công cụ trực tuyến. Sau khi hoàn tất cách ly 14 ngày, chuyên gia sẽ sẵn sàng thực hiện công việc tại công trường. |