Thiếu thuốc, cứu người như cứu hỏa…

(PLO)- Trung tâm mua sắm tập trung sẽ tạo ra “đường đi” thông thoáng hơn, gợi ra những giải pháp hiệu quả hơn cho công tác mua sắm thuốc và vật tư y tế trong trung và dài hạn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trước báo cáo của các bệnh viện, phản ánh của báo chí, người dân về việc thiếu thuốc, vật tư y tế thời gian gần đây ở nhiều bệnh viện tại TP.HCM, lãnh đạo đã chỉ đạo lập ngay trung tâm mua sắm (TTMS), không để người dân chết vì thiếu thuốc, vật tư y tế.

Theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, trước mắt là mua sắm thuốc và vật tư y tế cần thiết cho người dân. Lãnh đạo UBND TP cùng Sở Y tế và nhiều ban ngành cũng bắt tay vào cuộc. Lo lắng và băn khoăn là có. Bởi lẽ gần chục năm trước, TP cũng từng lập ra TTMS nhưng cũng sớm “chết yểu”. Liệu mấy năm qua chúng ta đã kịp rút ra những bài học kinh nghiệm đủ để ra mắt và vận hành một trung tâm mới? Và giữa “cơn bão” Việt Á hiện nay, ai sẽ dấn thân vào làm việc theo hình thức “biệt phái” tại TTMS, tại các hội đồng chuyên môn khi đến hiện tại, chúng ta dường như vẫn chưa có hành lang pháp lý và các hướng dẫn liên quan việc thành lập TTMS y tế cấp địa phương. Còn vô số băn khoăn, lo lắng khác.

Một thực tế cho thấy việc mua sắm tập trung hay để bệnh viện tự lo đều có những ưu, khuyết điểm riêng. Thậm chí cũng có gợi ý giao quyền tự mua sắm cho các bệnh viện công theo kiểu bệnh viện tư. Mô hình nào cũng cần được nghiên cứu cho tương lai.

Nhưng! Hiện tại, thiếu thuốc và “cứu người như cứu hỏa”. Điều quan trọng nhất lúc này là nhanh chóng xây dựng TTMS để giải quyết tức thời nhu cầu thuốc và vật tư y tế, khi phần đông các bệnh viện đang bối rối, lúng túng, lo lắng trong quyết định mua sắm do thiếu một hành lang pháp lý để họ có thể an tâm ra quyết định. Trung tâm do UBND TP trực tiếp quản lý, với sự phối hợp của Sở Y tế và các sở, ban ngành, đội ngũ chuyên gia… chắc chắn sẽ tạo ra “đường đi” thông thoáng hơn, gợi ra những giải pháp hiệu quả hơn cho công tác mua sắm thuốc và vật tư y tế trong trung và dài hạn.

Cạnh đó, nếu TTMS có thể tạo ra một bảng điều khiển dữ liệu (dashboard), kết nối hệ thống dữ liệu của các bệnh viện thì việc điều phối trang thiết bị, vật tư y tế giữa nơi thừa với nơi thiếu, nơi cấp bách với nơi chưa cấp bách… cũng sẽ dễ dàng hơn. Đó cũng là một định hướng lâu dài mà nhiều chuyên gia y tế gợi ý để TTMS tạo ra sự khác biệt và hữu ích so với trước.

Điều băn khoăn lớn nhất và cũng khó khăn nhất có lẽ là… sự thật thà, thành thật, ngay thẳng hay ít nhất là “thượng tôn pháp luật”, không để sự cám dỗ của đồng tiền dẫn dắt đi ngược lại lợi ích của bệnh nhân, của bệnh viện, của Nhà nước. Tuy nhiên, sau vụ bắt và khởi tố trên 60 người liên quan vụ Việt Á và nhiều quan chức nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn làm sai quy định nói chung thời gian qua, chúng ta cũng có thể lạc quan, tin tưởng về đội ngũ cán bộ, nhân viên được chọn lựa tới đây.

Giờ là lúc chúng ta đồng lòng, không chỉ ngành y mà tất cả ngành, lĩnh vực khác để cùng “dập lửa” thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế. Tất nhiên trong dài hạn, một hành lang pháp lý rõ ràng, an toàn cho việc mua sắm thuốc - dù thông qua TTMS, hay đấu thầu lẻ, hoặc tự mua sắm (như các bệnh viện tư nhân) - là rất cần thiết và cũng là cái gốc của sự phát triển ổn định, bền vững của ngành y.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm