Tư Trung bận rộn với máy móc Vespa cổ ở lò xe của mình trên quốc lộ 13
Đó là Tư Trung, cộng đồng của những người chơi Vespa cổ gọi anh là “bác sĩ 4T”, với biệt tài chuyên trị các chứng bệnh từ "hắt hơi sổ mũi" cho đến "nan y" của những chiếc Vespa đã già nửa thế kỷ tồn tại. Trải qua bao thăng trầm từ khi đến Việt Nam, Vespa cổ tưởng rằng chỉ có thể làm sắt vụn, nhưng qua bàn tay của Tư Trung, những con xe ấy như được hồi sinh. Việt Nam có nhiều người sửa Vespa, nhưng Tư Trung được giới Vespa cổ biết đến và quý mến nhiều hơn cả.
Ngày vào nghề
Đầu trọc nhìn dữ dằn, nhưng khi trò chuyện lại thấy một bản tính hiền như đất, đấy là bộ dạng và tính cách quen thuộc của Tư Trung. Kể lại ngày vào nghề, Tư Trung nói: “Hồi nhỏ học hành gì đâu, lớn chút đi bộ đội, rời quân ngũ vào Sài Gòn kiếm việc, qua giới thiệu của ông già, tui vào học một tiệm sửa xe gắn máy. Thời đó học cho có nghề phòng thân”.
Tiệm xe Tư Trung theo học sửa đủ loại xe, trong đó có Vespa cổ. Giới đàn anh học nghề trước thấy đàn em vào học sau thì sai vặt, Tư Trung được kêu gì làm nấy, rồi từ từ khám phá ra rằng Vespa cổ có cái hay, khác biệt các dòng xe khác, từng đời xe lại là một câu chuyện thú vị, chưa kể tiếng máy, tiếng pô xe của Acma, Standard, Super… đều khác biệt.
Theo học sửa xe mất gần năm năm, Tư Trung gom góp vốn liếng ra được một tiệm sửa xe nhỏ trên quốc lộ 13, gần bến xe Miền Đông hành nghề ở những năm 90, nhắm đến khách hàng có xe Vespa cổ cần sửa. Tư Trung vẫn nhớ cái bảng hiệu khi ấy được chủ đích ghi tên Vespa trước rồi mới đến Honda sau. Nhưng ra nghề, cuộc sống không như mong đợi, bởi dòng Vespa cổ uống xăng như uống nước, lại lắm bịnh, người chơi chỉ là số ít các vị cao niên, hoài niệm về một thời lịch lãm của Vespa, trong khi đó đại chúng chọn dùng các dòng xe cũ nhập về từ Nhật gọi là xe “nghĩa địa” như Cub 81, Custom, Citi… máy vừa êm, chạy bền, lại ít tốn xăng.
Tư Trung khi ấy dẫu có đủ đam mê, cộng với hơn năm năm tuổi nghề, nhưng cũng ngồi ngáp ruồi ở tiệm vì chẳng có ai đi Vespa để sửa, đành sống qua ngày, cầm cự với nghề sửa các dòng xe máy khác được những cư dân xóm nghèo ngay bến xe Miền Đông tin tưởng đưa đến.
Thành “bác sĩ”
Sau nhiều lần chết lên chết xuống với nghề sửa Vespa cổ, Tư Trung vẫn còn đủ độ lì để bám nghề cho đến khi những Việt kiều từ Mỹ, Úc, Canada về Việt Nam, phát hiện ra hằng hà sa số Vespa cổ giờ chỉ còn là sắt vụn, bèn mua lại với giá ve chai. Tư Trung khi ấy là thợ sửa Vespa hiếm hoi còn lại của Sài Gòn được giao xe cho sửa. Thú chơi và sưu tầm Vespa cổ dần được khôi phục như thế.
Tư Trung (xe thứ tư từ trái qua) trong hành trình đi miền Tây cùng nhóm Vespa cổ nước ngoài
Các diễn đàn xe máy cổ, Vespa cổ lần lượt ra đời. Phong trào gia tăng ngày một mạnh, người chơi mới ngày càng nhiều và xe cổ lại hay hành hạ chủ nhân. Lúc đó, người được cầu cứu không ai khác là Tư Trung. Cái dễ thương của Tư Trung khác biệt với các thợ sửa xe thông thường, ấy là chẳng biết khách hàng là ai, từ đâu đến, làm gì, chỉ cần nghe gọi có xe Vespa bị chết máy giữa đường thì bất kể ngày đêm, lễ tết, Tư Trung và vợ lại lọ mọ ôm mớ đồ nghề chạy xe đến sửa, có khi phải đi cả trăm cây số mới đến nơi gặp khổ chủ và con xe Vespa trái chứng. Đến khi lấy tiền, với tính thật thà hiếm gặp, bao giờ khổ chủ cũng thật khó xử khi nhận được nụ cười và câu nói quen thuộc: Dạ, muốn cho nhiêu cho! Tư Trung lý giải cái sự lành ấy của mình rằng: “Anh em có tin tưởng, quý mến mới gọi tới mình, mình giúp anh em cũng vì yêu nghề, tiền bạc không tính được”.
Từ đống sắt vụn gớm ghiếc, qua bàn tay Tư Trung, những chiếc Vespa cổ các đời như Acma, Standard, Super, Sprint… lần lượt được mông má chỉn chu. Các bịnh thường gặp như chết bugi do lửa yếu hoặc pha nhớt nhiều quá, đứt dây số, đứt dây ambraza, nghẹt xăng, bể bánh… cứ gọi Tư Trung là được trợ giúp. Sửa xong, Tư Trung còn chỉ cách để anh em chơi xe về sau biết đường tự sửa những thứ bịnh lặt vặt của nó.
Danh sách khách hàng của Tư Trung ngày một dài, và mỗi lần hội ngộ Vespa cổ cả nước hay những chuyến anh em tổ chức đi xa, Tư Trung lại được "thỉnh" với tư cách là thợ máy chính, giải quyết những hỏng hóc và sự cố dọc đường. Anh em quý mến đặt cho biệt danh là “bác sĩ Vespa”. Qua con xe cổ, Tư Trung có thêm niềm hạnh phúc với những cuộc giao lưu chia sẻ đam mê cùng bạn bè trong nước và cả với thế giới. Daniel Cupid – người Úc, cũng là khách hàng ruột của Tư Trung kể: “Tôi chơi xe Vespa, và được anh em giới thiệu đến Tư Trung, anh ấy không phải là thợ máy thông thường mà như một người bạn, bất kỳ lúc nào cần anh ấy đều sẵn lòng giúp. Tôi coi anh ấy như người anh trong gia đình vậy”.
Sống được với nghề, giữ được tình yêu với đam mê sửa xe Vespa cổ như Tư Trung nghe dễ, nhưng làm được thì không mấy ai. Có nhiều thợ máy rất giỏi nghề, nhưng chỉ qua vài chuyến giao lưu, được cộng đồng mạng ca ngợi, báo chí viết bài đã thay đổi tính cách, tự mình cô lập trong giới chơi. Riêng với Tư Trung, sống với nghề theo một nguyên tắc: “Mình làm nghề trước tiên phải có cái tâm, cố gắng sao cho khách hàng luôn cảm thấy vừa ý, làm giỏi mà không có tâm thì không ở lại với nghề lâu được đâu”.
Theo Thiên An (Người đô thị)