Liên quan đến bài thơ Tổ quốc gọi tên mình, theo như thông tin được tác giả Phan Quế Mai gửi tới truyền thông, nếu trước ngày 10-10 mà ông Ngô Xuân Phúc (người tố bà Mai đạo thơ của ông) không xin lỗi bà Mai một cách công khai, bà Mai sẽ khởi kiện.
Tuy nhiên, quá thời hạn kể trên ông Phúc vẫn chưa có những diễn tiến gì đáng ghi nhận, không đưa ra được thêm bằng chứng thuyết phục nào và cũng chưa hề xin lỗi bà Mai như “tối hậu thư” đã đặt ra. Trong khi đó, một số nhân chứng mới lại đưa ra thông tin nghiêng về khả năng tác giả thật sự của bài thơ là ông Phúc. Còn bà Mai vẫn chưa tiến hành việc khởi kiện ông Phúc như dự định. Vậy thì Tổ quốc gọi tên ai? Ai là tác giả thật sự của bài thơ nổi tiếng này vẫn đang nằm trong vòng mờ mịt, đánh đố công chúng.
Lẫn giữa những ồn ào nghi án ấy, nhà thơ Phan Huyền Thư cũng đã đăng tải trên Facebook cá nhân một ghi chép khá dài, trong đó đặt ra một số nghi vấn về phản hồi của nhà thơ Phan Quế Mai, dễ nhận thấy chị cũng có hơi hướng nghi ngờ tác giả thật sự của bài thơ này là bà Mai.
Khi viết những dòng chia sẻ ấy, bước vào cuộc mổ xẻ đúng sai quan điểm kia, nhà thơ của tậpSẹo độc lập chắc cũng không nghĩ rằng có lúc mình sẽ phải đối mặt với vụ nghi ngờ đạo thơ của người khác. Trước đó mấy ngày, chị cũng đã bị bóng gió cáo buộc “cầm nhầm” một câu thơ của nhà thơ Du Tử Lê. ("Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển")
Trong thời buổi truyền thông mạng xã hội phát triển mạnh như hiện nay, thật khó có thể tin ai đó vẫn dám đối mặt với rủi ro để tiện tay nhặt nhạnh một câu, thậm chí là cả một bài thơ của người khác để ký tên mình. Dĩ nhiên, trong những lùm xùm kiểu này chỉ người trong cuộc mới hiểu rõ thực hư của vấn đề, còn công chúng vẫn bị thả vào giữa những hoang mang và ồn ào tranh cãi.
Thơ ca xứ ta lâu lắm rồi mới được quan tâm đến thế, tiếc thay nó lại được xới lên bằng những nghi án chẳng vui chút nào, còn người đọc thơ chắc sẽ vẫn phải tự hỏi: Thơ nào vẫn còn nghi… Xin người hãy gọi tên.