Sau khi nhiều địa phương trên cả nước tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý các vi phạm về nồng độ cồn thì tại các nhà hàng, quán ăn số lượng người sử dụng các dịch vụ ăn uống giảm rõ rệt. Nguyên nhân là do dân nhậu sợ bị thổi nồng độ cồn khi lực lượng CSGT làm quyết liệt và nghiêm ngặt.
Hàng quán ế ẩm
Chị Nguyễn Thị Thương, chủ một quán nhậu về đêm trên đường Hải Triều, TP Huế, cho biết vì bán quán vỉa hè, phục vụ khách chủ yếu là những người có thu nhập thấp nên từ thời điểm trước tết đến nay khách đến quán rất lèo tèo. “Nhiều người chỉ ghé mua mang về nhà thay vì nhậu tại quán như mọi khi” - chị Thương nói.
Hơn 260 trường hợp vi phạm nồng độ cồn
Theo Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng, trong những ngày nghỉ lễ (từ ngày 29-4 đến 3-5), tại TP Đà Nẵng không xảy ra tai nạn giao thông. Lực lượng CSGT toàn TP đã phát hiện, lập biên bản hơn 260 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền 1,35 tỉ đồng.
Tương tự, anh Tuấn, quản lý nhà hàng San Hô (TP Tam Kỳ, Quảng Nam), cũng than quán ế chưa từng có. Theo anh Tuấn, hầu hết nhà hàng, quán nhậu đều bị ảnh hưởng, lượng khách giảm không phanh. Để thích ứng với tình hình mới, nhà hàng đã thay đổi phương án kinh doanh, bao tiền taxi hoặc bố trí nhân viên lái xe về nhà giúp khách (nếu đủ điều kiện quán đưa ra).
“Tôi đồng tình với phát biểu của chủ tịch tỉnh Bạc Liêu, bởi hầu hết khách hàng, ngay cả bản thân tôi cũng hay nhậu nhưng vẫn phải giữ mình, đủ tỉnh táo để lái xe về nhà. Khi lực lượng CSGT làm căng, các nhà hàng, quán nhậu hay xa hơn là phát triển kinh tế đêm sẽ gặp khó” - anh Tuấn nói.
Tương tự, chị Th, chủ một quán nhậu trên đường Chương Dương (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng), cũng cho biết cứ tối đến là có hai tổ xử lý, kiểm tra nồng độ cồn trên đường này nên không ai dám ghé quán. Khi khách nhậu xong muốn về cũng không dám và phải chờ đến rất khuya, khi lực lượng kiểm tra nồng độ cồn rời đi mới dám về. “Vì công an làm căng quá nên nhiều người chọn ở nhà hoặc mua về nhà nhậu khiến việc kinh doanh của quán giảm sút” - chị Th nói.
Lực lượng CSGT TP Đà Nẵng kiểm tra nồng độ cồn của một người đi xe máy. Ảnh: HẢI HIẾU |
Không ảnh hưởng kinh tế đêm
Bên cạnh việc lo lắng đi nhậu sợ bị thổi nồng độ cồn thì nhiều người vẫn có giải pháp cho riêng mình như chọn taxi, xe công nghệ hoặc các dịch vụ lái xe hộ. Có người còn cho rằng việc xử lý nghiêm và kiểm tra nồng độ cồn của CSGT là cần thiết để duy trì sự nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ tính mạng của người dân. Việc này cần phải thường xuyên, không có vùng cấm và tránh các trường hợp người thi hành nhiệm vụ tiêu cực, nhũng nhiễu.
Anh Nguyễn Văn Nam (trú quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cho biết mỗi lần đi nhậu anh đều tự bắt xe ôm công nghệ, taxi để đi. Tại TP Đà Nẵng dịch vụ xe này rất tiện, gọi là có ngay.
“Tôi cho rằng việc siết nồng độ cồn là rất tốt. Đi ăn nhậu chi thêm mấy chục ngàn đồng đi xe công nghệ vừa an toàn vừa yên tâm. Ai có tiền thì đi nhậu, ai không có tiền thì ở nhà. Bớt nhậu cũng tốt. Còn nói thổi nồng độ cồn ảnh hưởng kinh tế đêm thì chưa đúng lắm. Du khách đi du lịch họ chi vài chục triệu đồng để ăn chơi được thì họ không lăn tăn tới việc chi thêm mấy chục ngàn đồng đi taxi. Họ chỉ quan tâm tới dịch vụ, điểm ăn chơi đó được phục vụ thế nào và có gì vui không” - anh Nam chia sẻ.
Cũng theo anh Nam, nguồn thu từ kinh tế đêm còn có nhiều dịch vụ khác nữa chứ không phải chỉ mỗi bia rượu. Ngoài ra, thay vì chi hết cho cuộc nhậu thì người dân bớt tiền lại chi cho dịch vụ vận tải cũng tạo ra nguồn thu chứ không phải là triệt tiêu nguồn thu.
Tại TP Huế, anh Nguyễn Duy Lực, trưởng một nhóm lái xe hộ, cho biết hiện nay đã có nhiều người sử dụng dịch vụ lái xe hộ sau khi đi nhậu. Mỗi ngày khi nhận được cuộc gọi từ khách, nhóm anh Lực sẽ điều phối tài xế tới địa điểm để đưa khách về. “Trung bình mỗi đêm các thành viên trong nhóm sẽ lái xe đưa khoảng chín khách về nhà. Mức phí tùy theo quãng đường, ví dụ như đi 5 km thì có phí 150.000 đồng” - anh Lực nói.
Một lãnh đạo Đội CSGT-TT Công an TP Huế cho biết từ khi các lực lượng tăng cường xử lý các hành vi vi phạm về nồng độ cồn, tình hình trật tự, an toàn giao thông đã được đảm bảo tốt hơn, tai nạn giao thông giảm ở cả ba tiêu chí gồm số vụ, số người chết và số người bị thương.•
Bình Định cần phát triển dịch vụ đêm để giữ chân du khách
Trao đổi vớiPháp Luật TP.HCM, ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định, cho biết trong thời gian tới, ngành du lịch Bình Định sẽ phối hợp với UBND TP Quy Nhơn và các đơn vị liên quan triển khai các hoạt động như cải tạo, chỉnh trang, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế đêm.
“Tỉnh Bình Định và Sở Du lịch sẽ đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá hình ảnh du lịch, thông tin tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân trong việc liên kết phát triển dịch vụ kinh tế đêm. Bên cạnh đó, đảm bảo an toàn, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng dịch vụ… cho người dân và du khách tại khu vực tổ chức các hoạt động, dịch vụ ban đêm” - ông Thanh nói.
Cũng theo vị này, Bình Định sẽ tiếp tục phát triển các loại hình thương mại - dịch vụ hoạt động về đêm phục vụ du khách tại các địa phương trên địa bàn TP nơi có đông lượng khách du lịch như phố ẩm thực, chợ đêm, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại, dịch vụ vui chơi giải trí về đêm. Đồng thời kêu gọi đầu tư xây dựng các khu dịch vụ, vui chơi giải trí tại khu vực hồ Bàu Sen, hồ Đống Đa, khu vực Công viên Thiếu nhi…
“Hiện nay, Sở Du lịch đang xây dựng đề án triển khai thí điểm phố đi bộ tại TP Quy Nhơn. Tổ chức mô hình du lịch thủy nội địa trên đầm Thị Nại tại khu vực từ Công viên Xanh (đường Đống Đa) đến đoạn sông Hà Thanh dọc đường Hoa Lư, tham quan cầu Thị Nại, cảng Quy Nhơn về đêm… như tổ chức tour du lịch trên thuyền ẩm thực, tổ chức sự kiện, trình diễn nghệ thuật, di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của địa phương như bài chòi, hò bỏ trạo, võ cổ truyền, trống trận Tây Sơn…” - ông Thanh thông tin thêm. HUY TRƯỜNG