Áp thấp nhiệt đới vào Biển Đông, sắp mạnh lên thành bão

Bản tin lúc 9 giờ ngày 20-12, của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, lúc 7 giờ sáng áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) đang ở khoảng 10,6 độ Vĩ Bắc; 115,2 độ Kinh Đông.

Lúc này, ATNĐ có cường độ cấp 7, giật cấp 9, cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 170km về phía Đông Nam. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 80km tính từ tâm ATNĐ.

Áp thấp nhiệt đới đã vào Biển Đông và có khả năng mạnh lên thành bão. Ảnh: VNDMS

Dự báo trong 12 giờ tới, ATNĐ di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 10-15km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 19 giờ ngày 20-12, vị trí tâm bão ở khoảng 10,5 độ Vĩ Bắc; 113,7 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 130km về phía Nam Tây Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 15km và có khả năng mạnh thêm.

Cảnh báo: Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 8,0 đến 12,0 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 111,0 đến 117,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Tại cuộc họp ứng phó với ATNĐ/bão tại Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai sáng nay, 20-12, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết khoảng 24 giờ tới ATNĐ/bão sẽ di chuyển nhanh với tốc độ 25km/giờ.

Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia. Ảnh: VIỆT HÀ

Cường độ bão cũng mạnh lên nhanh, trong ngày hôm nay sẽ mạnh lên cấp 8. Từ đêm mai (21-12) sang ngày 22-12, bão sẽ đạt cường độ mạnh nhất là cấp 9. Khi đi sâu hơn vào phía đất liền, hướng bão có chiều hướng đi xuống do tác động của khối không khí lạnh. Do vậy khi bão đạt cấp 9 sẽ suy yếu.

"Bão có diễn biến phức tạp vì từ ngày thứ tư trở đi, bão lại đi thiên về phía tây, may mắn là cường độ giảm còn cấp 7. Toàn bộ vùng mây đối lưu, gió mạnh, mưa nằm ở phía tây bắc của tâm bão. Vùng biển từ Bình Định đến Ninh Thuận sẽ có gió rất mạnh, khoảng cấp 8-9 trước khi bão vào. Khi bão vào đến khu vực từ Bình Định - Cà Mau thì cường độ bão đạt cấp 7. Đặc điểm địa hình khu vực này kéo theo gió đông bắc-tây nam nên cường độ gió sẽ đỡ hơn" - ông Lâm nhận định.

Về tình hình mưa, mưa chính tập trung ở Đà Nẵng - Bình Thuận, sau đó là Bình Thuận - Cà Mau. Dự báo lượng mưa không lớn, 50-150mm.

Ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai chủ trì cuộc họp ứng phó ATNĐ vào sáng nay, 20-12. Ảnh: VIỆT HÀ

Trước tình hình trên, ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai yêu cầu Ban chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh/thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến của ATNĐ, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của ATNĐ để chủ động phòng tránh.

Bộ Tư lệnh Biên phòng tổ chức bắn pháo hiệu để thông báo cho ngư dân chủ động phòng tránh. Bộ Thông tin và Truyền thông sẵn sàng kích hoạt hệ thống nhắn tin.

Tổng cục Thủy sản cung cấp thông tin cho người dân để có phương án bảo vệ lồng bè và nuôi trồng thủy sản. Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cung cấp thông tin kịp thời để phục vụ việc chỉ đạo, ứng phó; đảm bảo an toàn hồ chứa; phục hồi sản xuất.

Các địa phương chủ động phát thông tin về ATNĐ trên các hệ thống giám sát thiên tai của tỉnh, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Biển Đông sắp có bão
Biển Đông sắp có bão
(PLO)- Trong hai, ba ngày tới một cơn áp thấp nhiệt đới sẽ đi vào Biển Đông và mạnh lên thành bão.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm