Những căn nhà rệu rã sau bão

Căn nhà hai mẹ con bà Nguyễn Thị Xuân Lựu (73 tuổi, ngụ thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) ở đúng nghĩa dột nát. Mái và vách nhà nhìn chỗ nào cũng nát với dột. 

Mẹ con bà Lựu trong căn nhà chỉ toàn củi khô. Bà Lựu chỉ mái nhà bị bay sau bão được hàng xóm lợp lại giúp. Ảnh: TẤN VIỆT

46 năm nuôi con gái bị thần kinh
Vừa rồi bão về, thổi bay sạch mái nhà, mái tôn xi măng trước hiên nhà cũng bị bão hất tung hư hết.
Khi chúng tôi đến thăm, bà Lựu đang nấu cơm trong gian bếp nhỏ. 
Chị Trần Thị Ngọc Thúy, 46 tuổi, con gái bà Lựu, từ khi mới sinh ra đã mắc bệnh về thần kinh. Càng lớn bệnh tình của chị càng nặng. Chị đã gần 50 tuổi nhưng đầu óc vẫn mãi như trẻ lên năm. “Nó sinh ra đã như vậy, khù khờ không biết gì, cũng không nói được gì. Hai mẹ con chỉ có rau cháo ăn qua ngày. Lâu lâu hàng xóm câu được con cá, mang qua cho thì mới được thêm món nữa” - bà Lựu nói.
Bà Lựu từng là giáo viên tiểu học từ trước giải phóng. Sau ngày giải phóng Quảng Ngãi (24-3-1975), chồng bà mất tích. Sau đó người trong làng nói chồng bà chết rồi. Từ đó, bà Lựu trở về với công việc đồng áng, một mình nuôi con rồi lấy luôn ngày chồng mình mất tích làm ngày giỗ chồng. 
Tài sản của hai mẹ con chỉ là một sào ruộng cùng mấy cây cau cho trái. Năm ngoái, do quá già yếu nên bà bỏ ruộng, không có sức khỏe để làm nữa. Cảnh thiếu ăn, thiếu mặc cứ đeo bám họ mãi.
Sau bão, thấy nhà bà Lựu tan hoang quá, bà con lối xóm phụ mỗi người một ít, rồi có mạnh thường quân giúp đỡ thêm để bà lợp lại mái nhà.
Trong căn nhà ấy, quanh quẩn chỉ toàn củi khô, tro trấu để nấu ăn. Chị Thúy thì cứ ngơ ngác, thấy người lạ đến nhà chỉ biết nấp sau lưng mẹ. “Bà già rồi, trong người đủ thứ bệnh, không biết sống được bao nhiêu năm nữa. Chỉ lo cho con gái không nơi nương tựa” - bà Lựu lo lắng.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Ý, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thị trấn Chợ Chùa, bà Lựu nhận được 405.000 đồng/tháng tiền trợ cấp. Đây là hộ có hoàn cảnh khổ nhất trong thôn, hàng xóm ai cũng thương, cũng đùm bọc cho gia đình bà Lựu.
Mong có tiền sửa nhà
Cách đó không xa, căn nhà gạch cũ nát của chị Nguyễn Thị Hồng Trinh (44 tuổi) nằm sâu trong con đường đất đỏ nhầy nhụa. Vừa trở về từ Gia Lai sau bão số 13, chị Trinh tranh thủ dọn dẹp nhà cửa tan hoang do bão vừa qua. 
“Tôi đi bán vé số trên Gia Lai 10 năm rồi, bình quân cũng lời được 100.000 đồng/ngày, mà đi mấy tháng mới về nhà một lần. May là trên Gia Lai ở nhà tập thể của chủ đại lý vé số nên không tốn tiền nhà. Cố gắng dành dụm để về trả nợ, lo cho con” - chị Trinh cho hay.
Chị Trinh có chồng là anh Thạch Sâm Nang, người Khmer, quê Sóc Trăng, hiện anh làm phụ hồ để có tiền cho con ăn học.
Chị Trinh cho biết nghe tin bão ở quê, ruột gan chị như lửa đốt. Bão đến, anh Nang phải dắt díu hai con qua nhà ngoại lánh nạn. Cơn bão vừa qua đã thổi tốc hết mái nhà bằng tôn xi măng của gia đình chị. Sau bão, gia đình chị được các mạnh thường quân hỗ trợ tôn lợp lại mái nhà để có chỗ cho hai con ngồi học mà không bị dột.
Bà Nguyễn Thị Thanh Ý cho biết các hộ dân có nhà bị tốc mái, ban đầu đã được hỗ trợ một ít để lợp lại mái nhà. Nhưng về lâu dài, những căn nhà này vẫn cần các mạnh thường quân hỗ trợ để sửa chữa vì chúng đã rệu rã trong đợt bão vừa rồi. Các hộ có hoàn cảnh khó khăn cũng cần hỗ trợ vốn để họ kiếm kế sinh nhai.•

Báo Pháp Luật TP.HCM trao 110 triệu đồng cho người dân Đức Phổ
Ngày 4-12, đoàn cứu trợ của báo Pháp Luật TP.HCM đã đến thị xã Đức Phổ (Quảng Ngãi) tiếp tục chương trình hỗ trợ bà con dựng lại nhà cửa sau bão lũ (ảnh).

Những căn nhà rệu rã sau bão ảnh 2


Ông Trần Ngọc Sa, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thị xã Đức Phổ, cho biết bão số 9 vừa qua khiến huyện có 16 nhà bị sập, 532 nhà tốc mái hoàn toàn. “Sau bão vẫn còn nhiều hộ nghèo, cận nghèo chưa thể khắc phục được nhà cửa. Huyện đang nỗ lực vận động thêm các nguồn hỗ trợ cho bà con có chỗ ở đảm bảo đón tết” - ông Sa cho hay.
Trong ngày, đoàn cứu trợ đã trao số tiền do bạn đọc hảo tâm, mạnh thường quân của báo hỗ trợ 11 hộ gia đình khó khăn, thiệt hại nặng nề sau bão, mỗi hộ 10 triệu đồng.
Bà Trần Thị Quá (ngụ xã Phổ Thuận, Đức Phổ) đỏ hoe mắt khi gặp đoàn cứu trợ: “Sau bão tôi nợ tiền lợp nhà. Chừ có để trả rồi, tôi mừng lắm!”.
Bà Quá là một trong những hoàn cảnh được chúng tôi đăng tải trong bài “Tôi lo căn nhà sập lúc nào không hay!” ngày 4-12. 
Từ ngày 1-12 đến nay, báo đã bắt đầu tổ chức đợt cứu trợ tái thiết cuộc sống của người dân sau bão. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm