Bí thư Hà Nội: Thủ đô là điểm đến an toàn, hấp dẫn cho nhà đầu tư

Sáng 19-10, lãnh đạo TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trên địa bàn nhằm tháo gỡ khó khăn, nhanh chóng khôi phục sản xuất, kinh doanh sau đại dịch COVID-19.

Hội nghị đã nhận được các đề xuất, kiến nghị đến từ hơn 500 doanh nghiệp FDI trên địa bàn, đặc biệt là sự tham dự của 120 đại biểu là đại diện các doanh nghiệp FDI, các hiệp hội, đại sứ quán, tổ chức quốc tế các cơ quan bộ ngành trung ương và các sở ngành của TP…

Hà Nội vẫn là điểm đến đầu tư an toàn

Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết đại dịch COVID-19 đã mang lại những thách thức chưa từng có, gây đình trệ hoạt động sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng nặng đến kinh tế, xã hội.

Để ứng phó với khó khăn này, TP đã thực hiện nhiều giải pháp để phòng, chống dịch đi đôi với duy trì phát triển kinh tế. Đến nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát, các hoạt động phát triển kinh tế đang dần được khôi phục.

Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Ảnh: TP

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2021 của Hà Nội tăng 6,61%; Quý III giảm 7,02%, chủ yếu do các nhóm ngành như: dịch vụ giảm 8,18%, công nghiệp - xây dựng giảm 6,76%. Tính chung 9 tháng đầu năm 2021, GRDP tăng được 1,28% so với cùng kỳ, một số nhóm ngành cơ bản vẫn duy trì được tăng trưởng dương như: Nông, lâm nghiệp và thủy sản; Công nghiệp và xây dựng; Dịch vụ…

Về thu hút đầu tư nước ngoài đến nay TP vẫn là 1 trong 3 địa phương trong cả nước đứng đầu về thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Từ đầu năm 2019 đến nay, Hà Nội thu hút 1,28 tỉ USD vốn đầu tư FDI, trong đó có 256 dự án (144 triệu USD) đăng ký mới, 93 dự án tăng vốn (thêm 686 triệu USD) và 346 lượt nhà đầu tư nước ngoài đăng ký góp vốn, mua cổ phần (với tổng vốn 450 triệu USD). 

“Đặc biệt, từ 21-9 tới nay, sau khi Hà Nội bỏ giãn cách xã hội, TP đã cấp phép điều chỉnh cho một số dự án lớn với vốn tăng thêm 340 triệu USD. Kết quả này thể hiện niềm tin của nhà đầu tư vào môi trường đầu tư kinh doanh của Hà Nội cũng như sự quan tâm của chính quyền Thành phố trong việc hỗ trợ, hướng dẫn giải quyết các thủ tục liên quan để tạo điều kiện cho nhà đầu tư sớm giải ngân, triển khai dự án, đón đầu xu hướng hồi phục kinh tế” - ông Quyền nói.

Hà Nội sát cánh, đồng hành cùng doanh nghiệp

Theo ôngng Quyền, để hỗ trợ, đồng hành doanh nghiệp vượt qua khó khăn, TP đã thực hiện hàng loạt giải pháp mang tính xuyên suốt như: Ban hành kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI); phê duyệt chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. 

“Hiện nay, TP đang hoàn thiện kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế, tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp trên địa bàn, tập trung vào các nhóm giải pháp như: cải cách thủ tục hành chính; ban hành và triển khai các chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; duy trì các hoạt động đối thoại, hội thảo, tập huấn để nắm bắt và kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn” - ông Quyền thông tin.

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng. Ảnh: TP

Tại hội nghị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho hay với nhiều nỗ lực đến nay TP đã cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19, đảm bảo các điều kiện để đưa kinh tế của Hà Nội khôi phục, trở lại trạng thái bình thường mới. Trong đó, TP đã tập trung chăm lo bảo đảm cuộc sống cho người dân, người lao động, người nước ngoài, hộ kinh doanh và các doanh nghiệp trên địa bàn bị ảnh hưởng bởi dịch với tổng mức chi hỗ trợ 1.550 tỉ đồng cho hơn 3,1 triệu người dân, doanh nghiệp.

Đặc biệt, TP đã chỉ đạo thực hiện ngay việc gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất của năm 2021 cho trên 31.000 người nộp thuế, với tổng số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn vào khoảng 22.000 tỉ đồng theo quy định tại Nghị định số 52 của Chính phủ. Thực hiện giảm 30% tiền thuê đất phải nộp cho 650 người nộp thuế, với số tiền thuê đất được giảm vào khoảng 250 tỉ đồng theo quy định tại Quyết định số 27 của Thủ tướng Chính phủ...

“Trong nhiều năm qua, quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước; chính quyền Thành phố Hà Nội xác định khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam; là động lực quan trọng để phát triển Thủ đô, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác” - Bí thư Hà Nội nhấn mạnh đồng thời khẳng định TP luôn tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhà đầu tư; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người lao động làm việc trong doanh nghiệp.

Tại hội nghị, lãnh đạo TP Hà Nội đã trao đổi, giải đáp, thông tin tới các nhà đầu tư, doanh nghiệp, đại diện các đại sứ quán, cơ quan tham tán thương mại, hiệp hội… về nhiều nội dung, khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Trong đó có các vấn đề như: thuế, bảo hiểm xã hội, vaccine, cấp và gia hạn giấy phép lao động của chuyên gia và người lao động nước ngoài, quy định hạn chế xuất nhập cảnh, thực hiện quy định phòng chống dịch và một số vấn đề y tế của doanh nghiệp, một số doanh nghiệp đặc thù (lĩnh vực giáo dục đào tạo) chưa được tiếp tục hoạt động…

Đối với các nội dung vượt thẩm quyền TP sẽ báo cáo, xin ý kiến Chính phủ và các Bộ, ngành nhằm tháo gỡ nhanh chóng cho các doanh nghiệp trong thời gian sớm nhất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô và đất nước. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm