Bình Thuận: Phá rừng, có dấu hiệu bảo kê

Cuối tháng 10, từ thông tin tố cáo về vụ phá rừng có tổ chức, đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại rừng Nà Dệt và Giếng Cọp thuộc huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận), chúng tôi đã nhờ người dẫn đường đưa đến thực địa. Đến nơi, chúng tôi sững sờ vì hàng chục hecta rừng bị hạ…

Rừng gần như bị chặt trắng

Cách quốc lộ 1A khoảng 20 km, muốn đến rừng Nà Dệt phải gửi lại xe máy rồi vượt qua sông Bà Bích bằng cáp treo tự chế của người dân. Đi thêm khoảng chục kilomet đường rừng mới đến được Tiểu khu 284 do Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận (đơn vị trực thuộc Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận) quản lý, bảo vệ. Ngay đầu rừng Nà Dệt, cạnh đường mòn chúng tôi đã gặp hàng chục cây rừng bị hạ còn trơ gốc xỉn màu. Anh P., người dẫn đường, cho biết: “Toàn bộ các vụ xà xẻo, triệt hạ rừng Nà Dệt xảy ra từ cuối năm 2013 đến tháng 5-2014”.

Phóng viên đo đường kính các gốc cây bị lâm tặc đốn hạ. Ảnh: CTV

Lội qua con suối cạn vào sâu trong rừng, hàng trăm gốc cây lớn nhỏ ngửa mặt nhìn trời. P. nói: “Cây rừng bị triệt hạ đều là gỗ lim, dầu, gáo… toàn loại gỗ quý”. Theo quan sát của chúng tôi, các gốc cây có đường kính từ 20 đến 70 cm. Thậm chí nhiều cây đường kính dưới 15 cm cũng bị lâm tặc đốn hạ bằng cưa máy. Lâm tặc tập kết gỗ bên con suối cạn rồi vận chuyển về xuôi.

Hơn một buổi đếm gốc, chúng tôi cộng nhẩm, tại rừng Nà Dệt có trên 900 cây gỗ bị lâm tặc đốn hạ.

Sang khu vực rừng Giếng Cọp gần đấy, chúng tôi thấy khu vực này gần như bị phá trắng. Dấu vết còn lại là hàng ngàn gốc dầu non đường kính 20-30 cm, trong đó có nhiều gốc vết cắt vẫn còn rất mới. Sống ở rừng từ nhỏ, anh P. quả quyết: Diện tích rừng bị triệt hạ ở hai khu vực này không dưới 50 ha. Ngoài ra tại khu vực rừng Tà Nớ cách Giếng Cọp khoảng 3 km đường chim bay cũng có hàng trăm gốc dầu lớn nhỏ bị lâm tặc hóa kiếp!

Lãnh đạo xuất hiện thời điểm rừng bị phá?

Theo anh P., việc hạ cây rừng người dân địa phương đều biết nhưng họ nhầm tưởng là Xí nghiệp Lâm nghiệp Hàm Thuận Nam vệ sinh rừng theo chủ trương, kế hoạch. Bởi thỉnh thoảng tại khu vực rừng bị hạ, người dân thấy xuất hiện một lãnh đạo của xí nghiệp và nhân viên bảo vệ rừng.

Theo anh P., thời điểm rừng bị đốn, mỗi ngày có hai xe cơ giới cải tiến chở một nhóm người mang theo cưa máy vào rừng. Họ không vượt sông Bà Bích gần khu dân cư mà đi đường vòng. Chờ đêm xuống họ mới vận chuyển gỗ ra khỏi rừng đưa lên nhiều xe tải ra quốc lộ 1. Thấy nhiều dấu hiệu bất minh, người dân địa phương âm thầm theo dõi, tìm hiểu và xác định đây là vụ phá rừng với quy mô lớn vừa lấy gỗ vừa lấy đất nên làm đơn tố cáo.

Theo thu thập của chúng tôi, vụ hạ rừng này được một lãnh đạo của xí nghiệp bật đèn xanh. Người đứng ra tổ chức hạ rừng và vận chuyển gỗ đi tiêu thụ là một người có nhà tại TP Phan Thiết. Người này “hợp đồng” với một lâm tặc khét tiếng tại Gia An, Tánh Linh tên Tuấn làm cai, tổ chức cho nhóm lâm tặc hạ rừng rồi đo đếm, nghiệm thu và trả tiền công cho lâm tặc.

Một vấn đề đặt ra là với lượng gỗ khổng lồ bị triệt hạ như trên nhưng đơn vị quản lý bảo vệ không có một báo cáo nào và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Thuận không hay biết gì là điều khó hiểu.

Theo thông tin chúng tôi nắm được, Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành vào cuộc xác minh đơn tố cáo. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin diễn biến vụ việc này.

PHƯƠNG NAM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm