Ngày 16-5, một lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an cho biết Bộ công an đang yêu cầu các lực lượng chức năng vào cuộc điều tra, xác minh thông tin liên quan đến vụ việc “hàng ngàn chứng minh nhân dân (CMND) bị rao bán trên mạng”.
Có thể bị sử dụng vào mục đích xấu
Theo nguồn tin, quan sát từ các hình ảnh trên mạng cho thấy phần lớn là CMND loại cũ (loại chín số - PV) chứ không phải CCCD mẫu mới.
“Những thông tin này rất nhiều cơ quan có thể có như ngân hàng, hàng không, quản lý đất đai, thậm chí là bưu điện, cửa hàng bán điện thoại… Hiện chưa biết hacker lấy từ nguồn nào và rao bán thông tin ngoài mục đích lấy tiền thì còn mục đích khác hay không. Rất nhiều vấn đề cần phải làm rõ” – vị này nói.
Cũng theo vị trên, thông tin cá nhân (CMND, số điện thoại… - PV) có thể bị các đối tượng tội phạm sử dụng vào rất nhiều mục đích, trong đó có những mục đích xấu.
17 GB dữ liệu được cho là CMND bị cho là rò rỉ. Ảnh: PLO
Hôm 15-5, báo chí đăng tải thông tin về việc 17 GB dữ liệu chứa ảnh chụp CMND của hàng ngàn người Việt Nam đang bị rao bán với giá 9.000 USD trên diễn đàn hacker.
Các dữ liệu này được đăng bởi thành viên có nickname Ox1337xO. Người này khẳng định đang sở hữu lượng lớn dữ liệu KYC (Know Your Customer) - dữ liệu để xác minh thông tin người dùng.
17 GB dữ liệu bao gồm ảnh chụp CMND, CCCD (mặt trước, mặt sau), ảnh/video selfie, đi kèm địa chỉ, số điện thoại và email. Trong đó, riêng một tệp tin dung lượng 1,4 GB chứa thông tin của hơn 3.000 người.
Thậm chí, để chứng minh mình “nói thật”, người này chia sẻ một số ảnh chụp màn hình, trong đó bao gồm một số giấy tờ, sổ hộ khẩu của người Việt Nam và chấp nhận mua bán qua một bên trung gian nếu người mua nghi ngờ. Các dữ liệu trên được rao bán với giá 9.000 USD (207 triệu đồng) và thanh toán bằng tiền mã hóa Bitcoin hoặc Litecoin.
Rất nguy hiểm!
Trung tá Đào Trung Hiếu (chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an) khẳng định việc bị lộ lọt thông tin cá nhân là rất nguy hiểm. Người bị lộ thông tin có thể gặp phiền toái khi phải tiếp nhận những tin nhắn, email quảng cáo, hay các cuộc gọi chào mời mua sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Nguy hiểm hơn, thông tin cá nhân sẽ bị sử dụng cho mục đích tội phạm.
“Các đối tượng có thể hack vào tài khoản để chiếm đoạt tiền, thậm chí làm giả CMND từ đó mạo danh để đi thực hiện hành vi xấu, hoặc mở tài khoản ngân hàng để chuyển tiền từ việc phạm tội mà có” – Trung tá Hiếu dẫn chứng.
Quay trở lại với vụ “rao bán 17 GB dữ liệu”, ông Hiếu cho rằng có hai khả năng xảy ra. Trường hợp thứ nhất, người rao bán không có hoặc chỉ có thông tin của một vài cá nhân nhưng “nổ” rằng đang có trong tay rất nhiều. Khi có ai muốn mua, người này sẽ yêu cầu chuyển tiền “đặt cọc”, nhận được tiền rồi sẽ lập tức chặn hết các kênh liên lạc, mục đích để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trường hợp thứ hai, người rao bán thực sự nắm giữ lượng dữ liệu thông tin cá nhân như mình nói. Việc này sẽ rất nguy hiểm, như đã phân tích ở trên.
Theo Trung tá Hiếu, có rất nhiều nguồn có thể dẫn tới lộ lọt thông tin cá nhân. Một trong số đó từ các hiệu cầm đồ, đây là kênh lưu giữ thông tin của rất nhiều người, một số khi không có khả năng trả nợ còn sẵn sàng bỏ CMND rồi đi cấp lại.
“Thực tế điều tra, chúng tôi từng truy tìm theo số CMND nhưng lại ra một đối tượng khác. Nghi phạm mua lại CMND từ một hiệu cầm đồ rồi dán ảnh mình vào, qua mặt cả ngân hàng” – ông Hiếu cho hay.
Một nguồn khác cần lưu ý là do hacker tấn công vào cơ sở dữ liệu do các đơn vị quản lý, nhất là những ngành yêu cầu người dân khi tham gia giao dịch phải cung cấp CMND, ví dụ như ngân hàng chẳng hạn.
“Chưa kể có thể chính người bên trong các đơn vị quản lý cơ sở dữ liệu tuồn thông tin cá nhân ra bên ngoài” – vị trung tá đặt giả thiết.
Hành vi bị nghiêm cấm Theo Trung tá Đào Trung Hiếu, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Luật An toàn thông tin mạng 2015 cũng nghiêm cấm việc thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác; lợi dụng sơ hở, điểm yếu của hệ thống thông tin để thu thập, khai thác thông tin cá nhân. Nghị định 15/2020 cũng nêu rõ người nào có hành vi mua bán hoặc trao đổi trái phép thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông sẽ bị phạt tiền. Ngoài ra, hành vi mua bán, trao đổi thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng còn có thể bị xử lý hình sự theo Điều 288 BLHS năm 2015, với hình phạt cao nhất đến 7 năm tù. |