Ngày 4-10, tiếp tục phiên họp toàn thể của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, tổ chức thẩm tra báo cáo của Chính phủ về kết quả hoạt động và quản lý, sử dụng Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá giai đoạn 2018-2019.
Một vấn đề được đặt ra tại phiên họp là sự tồn tại của Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, khi vừa qua đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ xây dựng lộ trình để bãi bỏ quỹ.
Bà Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại phiên họp toàn thể lần thứ 15. Ảnh: HOÀNG HẢI
Bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban, cho rằng tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bà vẫn bảo vệ quỹ, vì chỉ cách đây mấy năm, chính Quốc hội sau khi tranh luận đã quyết định có quỹ này, giờ phải đánh giá lại xem nó có cần thiết nữa không.
Theo bà Thúy Anh, quỹ cũng có vấn đề vì chỉ có nguồn thu từ tiền đóng của doanh nghiệp, mà theo quy định còn hai nguồn thu khác là nguồn tài trợ đóng góp từ thiện của cơ quan tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, nguồn thu hợp pháp khác.
Liên quan đến vấn đề trên, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế, Giám đốc quỹ), nói: “Chúng tôi tha thiết nếu được thì duy trì quỹ, vì đây là vấn đề sức khỏe nhân dân, vấn đề cộng đồng chứ không phải của một cá nhân nào”.
“Quốc hội mà bỏ thì bỏ thôi nhưng đây là sức khỏe nhân dân. Trước đây khi thông qua luật này, chị Mai (bà Trương Thị Mai, Trưởng ban Dân vận Trung Ương, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội) nói là luật này không phải vì tiền mà là nhân văn, vì sức khỏe con người” - ông Khuê nói.
Theo ông Khuê, đơn vị cũng thấy rằng cần phải nỗ lực rất nhiều. Đây là vấn đề cộng đồng, rất khó đồng bộ tất cả. Đặc biệt phải làm sao để tránh chuyện sử dụng kinh phí không hiệu quả. “Ở đây có một số anh biết, bản thân anh em chúng tôi ở trong quy hoạch nọ kia, không bao giờ dám làm cái gì, làm việc cũng rất là sợ, lo lắng” - ông Khuê giãi bày.
Giải ngân chậm, sợ hợp thức hóa Ông Nguyễn Ngọc Phương (đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình) cho rằng nghe công tác giải ngân chỉ đạt 20% trong sáu tháng đầu năm là không chấp nhận được. "Vì sao lại chậm phê duyệt kế hoạch, từ đầu năm mà đến tháng 8 mới phê duyệt được kế hoạch, cái này đâu phải chỉ năm này mà là từ năm 2014 đến bây giờ? Kế hoạch chậm thì ở các tỉnh, địa bàn làm sao người ta triển khai được? Đến bây giờ mới quyết toán được 20%, mà còn mấy tháng nữa thì làm sao làm hết được? Nói thật kiểu phê duyệt kế hoạch chậm, rồi đưa về cho các tỉnh không khéo lại có cái hợp lý hóa hồ sơ để thanh toán, điều này rất có thể xảy ra” - ông Phương nêu hàng loạt câu hỏi và đề nghị Ban Quản lý quỹ phải làm rõ nguyên nhân. |