Cà Mau không cấm người về từ địa phương khác, nhưng tốt nhất ở đâu ở yên đấy

Trao đổi với PV PLO.VN, ông Lê Quân, Chủ tịch UNBD tỉnh Cà Mau cho biết: Trước hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, chính quyền địa phương xác định cứ có người tiếp xúc gần với các ca mắc thì vận động làm việc tại nhà, hạn chế đi lại kể cả CBCNV-LĐ.

Trong phòng, chống dịch, Cà Mau luôn quan tâm việc phân loại người từ tỉnh, thành phố khác về địa phương. Cụ thể, Cà Mau không cấm người về từ địa phương khác, nhưng khuyến khích bà con ở đâu nên ở yên đấy.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong phòng chống dịch

Tuy nhiên, nếu xác định có người về từ vùng có dịch, địa phương sẽ yêu cầu theo dõi tại nhà, khai báo y tế và được hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch, cạnh đó, khuyến khích bà con không đi lại. Đồng thời yêu cầu chính quyền địa phương theo dõi, giám sát chặt các trường hợp này. Nếu phát hiện những trường hợp về từ vùng dịch mà đi lại khắp nơi,  không khai báo y tế sẽ kiểm điểm lãnh đạo địa phương.

“Mới đây Tỉnh phê bình một Chủ tịch UBND huyện  và đình chỉ một loạt cán bộ cơ sở vì buông lỏng quản lý trường hợp người ở nơi khác về địa phương, để những người này đi nhiều nơi, lại có dấu hiệu sốt mà không được sàng lọc” – ông Quân nói.

Cà Mau thiết lập các chốt ở cửa ngõ ra vào tỉnh để kiểm soát người đi về tỉnh. Trong ảnh:  Hoạt động ở chốt kiểm soát Phụng Hiệp. Ảnh: TRẦN VŨ 

Chủ tịch UNBD tỉnh Cà  Mau Lê Quân cũng cho biết, diễn biến dịch hiện phức tạp do nguồn lây nhiễm khó kiểm soát, bất cứ thời điểm nào cũng có khả năng phát sinh ca lây nhiễm cộng đồng. Mới đây, Cà Mau đã nâng cấp độ phòng chống dịch lên một cấp độ. Cụ thể, trước đây, Cà Mau chỉ theo dõi và khuyến nghị bà con về từ các địa phương khác tự thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Tuy nhiên, hiện giờ đã nâng lên một cấp độ, nghĩa là những người về từ địa phương khác sẽ được yêu cầu cách ly tại nhà, đồng thời xét nghiệm.

Để phân loại chặt chẽ người về từ các địa phương khác, Cà Mau đã lập 14 trạm kiểm soát tại các địa điểm vào tỉnh. Tại đây, bà con sẽ khai báo y tế, hành trình đi lại để ngành chức năng sàng lọc, phân luồng kiểm soát tốt hơn. Sau khi có thông tin sẽ được chuyển về địa phương, tại đây, các Tổ COVID cộng đồng sẽ theo dõi các trường hợp này.

Đáng chú ý, tỉnh Cà Mau đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong phòng chống dịch. Người dân và nhất là cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh khi đi lại đều phải sử dụng Bluezone, Ncovi, VHD và cả Zalo để khai báo y tế cũng như cập nhật điểm đến. “Ưu tiên dùng mã QR và hạn chế khai báo giấy, nên cán bộ, người dân buộc phải cài đặt và sử dụng các ứng dụng điện tử. Hiệu quả hỗ trợ truy vết khá tốt”, ông Quân cho biết.

Chốt kiểm soát ở Tắc Vân. Ảnh TRẦN VŨ  

Vừa phòng chống dịch COVID-19 vừa đảm bảo tăng trưởng 

Đặc thù lao động tại các khu công nghiệp của Cà Mau là lao động tại chỗ, chỉ còn các chuyên gia là người nước ngoài là có di chuyển, nhưng hiện nay họ cũng đã ở lại. Để làm tốt công tác phòng chống dịch Cà Mau cũng xây dựng ba kịch bản, đã triển khai thực tập, trong đó phân vai cụ thể cho từng cấp địa phương phải làm như thế nào nếu xảy ra dịch.

Theo đó, kịch bản 1 vẫn hoạt động bình thường, thực hiện tốt khuyến cáo 5K, vaccine. Kịch bản 2 khi phát hiện có ca trong cộng đồng ở các tỉnh khác, tỉnh sẽ điều chỉnh cho phù hợp vừa chống dịch vừa tiếp tục hoạt động. Kịch bản 3 là nếu phát hiện ca mắc trong cộng đồng ở tại Cà Mau thì ngay lập tức tỉnh khoanh vùng theo khu vực để triển khai các phần việc để phòng chống dịch.

Đo thân nhiệt ở chốt kiểm soát Tắc Vân. Ảnh: TRẦN VŨ 

“Mình không quá sợ mà phải chủ động trong phòng chống dịch và đề ra Kế hoạch, phương án phải làm gì nếu xảy ra tình huống để không bị động. Hiện Cà Mau đang triển khai kịch bản 2 do có người mắc ở Bạc Liêu, nếu duy trì kịch bản này trong 1 tháng sẽ không ảnh hưởng kinh tế quá lớn nếu kéo dài thì GDP tăng trưởng chỉ ở mức khoảng 3%. Năm 2020  bị động nên tăng trưởng chỉ 1%, năm nay tỉnh chủ động nên có thể đảm bảo tăng trưởng khoảng 3%.”- ông Lê Quân nói.

Cũng theo ông Lê Quân, Cà Mau có thuận lợi là điểm cuối, nên không có người đi qua, tuy nhiên Cà Mau có khoảng 250km biển có thể xảy ra tình trạng nhập cảnh bất hợp pháp từ Malaysia, Thái Lan. Người lao động hiện đi làm việc ở các nước tình hình dịch khó khăn nên sẽ về nhà. Tuy nhiên từ ngày tỉnh thiết lập hệ thống biên phòng và ba lớp bảo vệ (Biên phòng, Công an, chính quyền địa phương) kết hợp với xử lý nghiêm, tuyên truyền, phân luồng tổ chức cách ly,... nên tình hình luôn được kiểm soát.

“Ý thức người dân còn chủ quan, buông lỏng hơn đợt dịch trước, tuy nhiên qua sự kiên quyết xử lý nghiêm của cơ quan chức năng như: phạt không đeo khẩu trang, phạt nhưng dịch vụ cấm nhưng lén hoạt động,.. hiện tình hình ý thức phòng chống dịch đã cải thiện. Phải xử phạt và kiểm tra liên tục, tỉnh huyện xã đều phải có đoàn kiểm tra và liên tục kiểm tra. Như đợt lễ  30-4  và 1-5 vừa qua, Cà Mau có hơn 60.000 du khách nhưng vẫn đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch. Nhưng tỉnh không chủ quan mà luôn chủ động. Lãnh đạo tỉnh luôn quán triệt để huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để phòng chống dịch, trong đó lãnh đạo tỉnh và các huyện, TP trên địa bàn tỉnh cũng như chính quyền cơ sở phải luôn theo dõi tình hình, xử lý và quyết đoán để ra chủ trương phù hợp vừa chống dịch vừa đảm bảo kinh tế” - ông Lê Quân chia sẻ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm