Chính phủ có quy định mới về bảo hiểm bắt buộc ô tô, xe máy

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 03/2021 quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

Nghị định này có hiệu lực kể từ 1-3 tới đây, thay thế cho Nghị định 103/2008 và Nghị định 214/2013 quy định về cùng nội dung.

Sẽ có giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử

Theo quy định mới, ngoài giấy chứng nhận bảo hiểm bằng giấy như hiện nay, cá nhân mua bảo hiểm bắt buộc có thể được cấp giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử, với đầy đủ các thông tin như loại bằng giấy.

Người tham gia giao thông phải luôn mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm còn hiệu lực (bản cứng hoặc bản điện tử) khi tham gia giao thông, xuất trình giấy tờ này khi có yêu cầu của lực lượng CSGT và cơ quan chức năng có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật.

Chính phủ ban hành nghị định với nhiều điểm mới về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Ảnh minh họa: TTXVN

Mức tăng phí bảo hiểm tối đa 15%

Nghị định 03/2021 nêu rõ Bộ Tài chính là cơ quan quy định phí bảo hiểm dựa trên số liệu thống kê, bảo đảm khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm, tương ứng với điều kiện bảo hiểm, mức trách nhiệm bảo hiểm, mức độ rủi ro theo loại xe cơ giới và mục đích sử dụng.

Căn cứ vào lịch sử tai nạn của từng xe cơ giới và năng lực chấp nhận rủi ro của mình, doanh nghiệp bảo hiểm chủ động xem xét, điều chỉnh tăng phí bảo hiểm; mức tăng phí bảo hiểm tối đa là 15% tính trên phí bảo hiểm do Bộ Tài chính quy định.

Thời hạn bảo hiểm kéo dài tối đa 3 năm

Theo quy định cũ, thời hạn ghi trên giấy chứng nhận bảo hiểm là 1 năm hoặc dưới 1 năm trong một số trường hợp.

Trong khi đó, nghị định mới quy định đối với xe mô tô hai bánh, ba bánh, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe có kết cấu tương tự theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, thời hạn bảo hiểm tối thiểu là 1 năm và tối đa là 3 năm.

Đối với các xe cơ giới còn lại, thời hạn bảo hiểm tối thiểu là 1 năm và thời hạn tối đa tương ứng với thời hạn kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường định kỳ có thời hạn trên 1 năm…

8 trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm

Nghị định 03/2021 quy định 8 trườn hợp doanh nghiệp bảo hiểm không phải bồi thường thiệt hại.

Trong đó có hành động cố ý gây thiệt hại của chủ xe cơ giới, người lái xe hoặc người bị thiệt hại; người lái xe gây tai nạn cố ý bỏ chạy không thực hiện trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Trường hợp người lái xe gây tai nạn cố ý bỏ chạy nhưng đã thực hiện trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới thì không thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm.

Ngoài ra, người lái xe chưa đủ độ tuổi hoặc quá độ tuổi điều khiển xe cơ giới theo quy định pháp luật về giao thông đường bộ; người lái xe không có Giấy phép lái xe hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không hợp lệ…

Hoặc thiệt hại gây ra hậu quả gián tiếp bao gồm: giảm giá trị thương mại, thiệt hại gắn liền với việc sử dụng và khai thác tài sản bị thiệt hại; thiệt hại đối với tài sản do lái xe điều khiển xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, sử dụng ma túy và chất kích thích bị cấm theo quy định của pháp luật…

Quy định rõ việc tạm ứng cho người mua bảo hiểm

Nghị định cũ quy định khá chung chung trong trường hợp cần thiết, doanh nghiệp bảo hiểm phải tạm ứng ngay những chi phí cần thiết và hợp lý trong phạm vi trách nhiệm bảo hiểm nhằm khắc phục hậu quả tai nạn.

Còn theo nghị định mới, trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm về vụ tai nạn, doanh nghiệp bảo hiểm phải tạm ứng bồi thường đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng.

Với trường hợp đã xác định được vụ tai nạn thuộc phạm vi bồi thường thiệt hại thì tạm ứng 70% mức bồi thường bảo hiểm theo quy định/1 người/1 vụ đối với trường hợp tử vong; 50% mức bồi thường bảo hiểm theo quy định/1 người/1 vụ đối với trường hợp tổn thương bộ phận được điều trị cấp cứu.

Với trường hợp chưa xác định được vụ tai nạn thuộc phạm vi bồi thường thiệt hại thì tạm ứng 30% mức trách nhiệm bảo hiểm theo quy định trường hợp tử vong; 10% mức trách nhiệm bảo hiểm theo quy định/1 người/1 vụ đối với trường hợp tổn thương bộ phận được điều trị cấp cứu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm