Chính phủ quy định biên chế tối thiểu các tổ chức hành chính

Chiều 18-4, tiếp tục phiên họp thứ 33, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân.

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho hay qua gần ba năm thực hiện hai Luật Tổ chức chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương, một số quy định hiện hành của hai luật cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng và đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Vì vậy, Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung bốn điều của Luật Tổ chức Chính phủ và 23 điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, tập trung vào vấn đề tinh gọn bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các thiết chế hành chính nhà nước.

Đáng chú ý, liên quan đến các nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ, Chính phủ đề xuất giao cho cơ quan này thêm một số nhiệm vụ, quyền hạn. Cụ thể, Chính phủ sẽ quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện. Đồng thời, Chính phủ quy định tiêu chí thành lập tổ chức thuộc cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; cơ quan chuyên môn có tính đặc thù thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và tổ chức bên trong của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh.

Ngoài ra, Chính phủ cũng quy định biên chế tối thiểu của các tổ chức hành chính; quy định số lượng cấp phó tối đa của các tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập…

Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định có tính nguyên tắc để xác định rõ thẩm quyền quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền quản lý của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh, cấp huyện…

Trình bày ý kiến của cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho hay đa số ý kiến trong Ủy ban này tán thành quy định của dự thảo theo hướng Chính phủ quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và quy định về tiêu chí thành lập, số lượng biên chế tối thiểu, số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa của một tổ chức thuộc cơ cấu tổ chức của Bộ, ngành, chính quyền địa phương. 

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định.

“Quy định như vậy đã quán triệt tinh thần của Trung ương là đẩy mạnh phân cấp và tạo sự chủ động, linh hoạt cho địa phương”- ông Định nói. 

Tuy nhiên, theo ông Định, cũng có ý kiến trong Ủy ban Pháp luật cho rằng theo quy định hiện hành, Chính phủ hoàn toàn có cơ sở để quy định vấn đề này và trên thực tế Chính phủ vẫn đang thực hiện mà không có vướng mắc gì.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật cho biết thêm, có ý kiến trong Uỷ ban cho rằng dự thảo quy định việc hình thành tổ chức hành chính căn cứ vào số lượng biên chế tối thiểu là “chưa thực sự phù hợp”. Về nguyên tắc, việc hình thành tổ chức mới phải xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức. Do vậy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức sẽ quyết định quy mô của tổ chức đó, chứ không phải xuất phát từ biên chế . 

“Việc dự thảo Luật tiếp cận cách hình thành tổ chức dựa vào biên chế thì rất khó để thực hiện được chủ trương tinh giản biên chế của Đảng”- ông Định nhấn mạnh.

“Điều 23. Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong quản lý về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, chế độ công vụ, cán bộ, công chức, viên chức và công tác thi đua, khen thưởng.

4a. Quy định số lượng biên chế tối thiểu của các tổ chức sau:

a) Vụ, cục thuộc bộ; phòng thuộc vụ, cục, văn phòng, thanh tra thuộc bộ; chi cục thuộc cục thuộc bộ; phòng của chi cục thuộc cục thuộc bộ;

b) Ban, văn phòng và các tổ chức khác thuộc cơ quan thuộc Chính phủ; phòng thuộc ban, văn phòng thuộc cơ quan thuộc Chính phủ;

c) Vụ, cục thuộc tổng cục; phòng thuộc văn phòng, cục thuộc tổng cục; chi cục thuộc cục thuộc tổng cục; phòng của chi cục thuộc cục thuộc tổng cục;

d) Phòng, chi cục của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; phòng của chi cục thuộc cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

4b. Quy định số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa của các tổ chức, đơn vị sau:

a) Vụ, cục, thanh tra, văn phòng thuộc bộ; phòng thuộc vụ, cục, văn phòng, thanh tra thuộc bộ; chi cục thuộc cục thuộc bộ; phòng của chi cục thuộc cục, thuộc bộ;

b) Ban, văn phòng và các tổ chức hành chính khác thuộc cơ quan thuộc Chính phủ; phòng thuộc ban, văn phòng thuộc cơ quan thuộc Chính phủ;

c) Tổng cục; vụ, cục, văn phòng, thanh tra (nếu có) thuộc tổng cục; phòng thuộc văn phòng, cục thuộc tổng cục; chi cục thuộc cục thuộc tổng cục; phòng của chi cục thuộc cục thuộc tổng cục;

d) Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện;

đ) Văn phòng, thanh tra, phòng, chi cục thuộc cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; phòng của chi cục thuộc cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

e) Các tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.

g) Các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và cơ quan chuyên môn, các tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

… 

(trích Dự thảo)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm