Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Phải đổi mới, không có lựa chọn khác

Trò chuyện đầu xuân với các bộ trưởng - Bài 3

Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Phải đổi mới, không có lựa chọn khác

(PLO)- Bộ Nội vụ tập trung vào xây dựng và hoàn thiện thể chế, phù hợp yêu cầu kiến tạo, phát triển và quản trị của nền hành chính.

Bộ Nội vụ sẽ tham mưu cho Chính phủ hoàn thành sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy bên trong Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ gắn với quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của các đơn vị ngay trong quý I-2022. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM đầu xuân Nhâm Dần, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho hay.

. Phóng viên: Phát biểu tại hội nghị triển khai công tác năm 2022 của ngành Nội vụ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá rất cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của bộ trong năm qua có nhiều đổi mới. Các đại biểu cũng ấn tượng với việc trình chiếu clip về hoạt động của ngành, thay vì đọc báo cáo tổng kết. Bộ trưởng có thể nói thêm về điều này?

+ Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà: Chúng ta đã chứng kiến và cảm nhận, năm 2021 dịch COVID-19 gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội, đặc biệt là sức khoẻ, tính mạng của người dân.

Năm 2021 cũng diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, đặc biệt là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp...

Trong bối cảnh đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của bộ, ngành nội vụ đã có nhiều đổi mới để thích ứng với tình hình mới. Thẳng thắn mà nói, chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải đổi mới.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Phải đổi mới, không có lựa chọn khác ảnh 3

Với phương châm hành động “Kỷ cương, gương mẫu, đoàn kết, tinh thông, sáng tạo, hiệu quả”, bộ, ngành nội vụ đã vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao trong năm 2021.

. Lần đầu tiên, cả nước hoàn thành vượt mục tiêu tinh giản biên chế 10% mà Bộ Chính trị đề ra tại Nghị quyết 39-NQ/TW. Trong khi “đụng” đến bộ máy là đụng đến cán bộ, con người...

+ Chúng ta đều thấy rằng bộ máy hiện nay còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trong tổ chức đầu mối bên trong. Đầu mối cứ nguyên trạng như thế thì không bao giờ giảm biên chế được. Do vậy, chúng tôi xác định việc giảm đầu mối gắn với giảm biên chế là một nguyên tắc và phải tập trung đột phá vấn đề này.

Tôi cho rằng nếu chúng ta không dám nghĩ, dám làm, không dám đột phá sẽ không giải quyết được những vấn đề rất lớn mà Đảng, Nhà nước và xã hội đang mong đợi.

Chúng tôi đã nghiên cứu, rà soát tham mưu Chính phủ ban hành nghị quyết đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước nhằm khơi thông điểm nghẽn, bảo đảm quản lý thống nhất, thông suốt, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, gắn với cá thể hóa trách nhiệm cá nhân người đứng đầu và tăng cường kiểm soát quyền lực.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Phải đổi mới, không có lựa chọn khác ảnh 4

Đặc biệt, trong năm 2021, bộ cùng các địa phương đã hoàn thành việc sắp xếp bên trong cơ quan chuyên môn UBND cấp tỉnh, cấp huyện. Đồng thời tiếp tục sắp xếp, giảm đầu mối gắn với đẩy mạnh tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần Nghị quyết 19 của Ban Chấp hành Trung ương; đã hoàn thành chỉ tiêu giảm biên chế công chức, viên chức giai đoạn 2017-2021 gắn với cơ cấu lại đội ngũ và từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Chúng tôi cũng đã nghiên cứu tham mưu cho Chính phủ việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ…

Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Phải đổi mới, không có lựa chọn khác ảnh 5

. Trong năm, Bộ Nội vụ đã rà soát, đề xuất Chính phủ cắt giảm chứng chỉ ngoại ngữ, tin học và hàng loạt chứng chỉ bồi dưỡng khác đối với công chức, viên chức, được dư luận hoan nghênh.

+ Thời gian qua, báo chí phản ánh nhiều “tiếng kêu” của công chức, viên chức về những vướng mắc, bất cập của quy định sử dụng chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và các chứng chỉ bồi dưỡng khác đối với viên chức, nhất là đối với đội ngũ giáo viên tại các cơ sở đào tạo công lập khi thi thăng hạng, bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Nội vụ phối hợp với các Bộ quản lý chuyên ngành tổng hợp, rà soát toàn bộ quy định về chứng chỉ đối với đội ngũ công chức, viên chức.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Phải đổi mới, không có lựa chọn khác ảnh 6

. Đề xuất này có “đụng chạm” gì không, thưa Bộ trưởng?

+ Chúng tôi may mắn không gặp khó khăn và rào cản nào khi đưa ra các đề xuất, thậm chí còn nhận được sự quan tâm, động viên của các lãnh đạo, đặc biệt là của Thủ tướng.

Đây là vấn đề tác động trực tiếp đến hàng triệu người và liên quan đến phương thức quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức. Chúng ta quyết tâm cắt giảm những chứng chỉ không phù hợp để giảm “gánh nặng” cho công chức, viên chức, đồng thời đổi mới phương thức quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức đi vào thực chất, khoa học hơn.

Việc cắt giảm một số loại chứng chỉ không đồng nghĩa với việc giảm yêu cầu về nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ. Thay vào đó, chúng ta đặt ra yêu cầu đổi mới nội dung, chương trình, hình thức đào tạo, bồi dưỡng đối với công chức, viên chức phải thực chất hơn, phục vụ trực tiếp công việc, đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm.

. Năm 2021, có thể nói Bộ Nội vụ đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ nặng nề. Trong năm 2022, bộ sẽ ưu tiên thực hiện những nhiệm vụ nào?

+ Năm 2022, nhiệm vụ đầu tiên chúng tôi đặt ra là nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách phù hợp yêu cầu kiến tạo, phát triển và quản trị của nền hành chính nhà nước các cấp, nhất là tổ chức bộ máy chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp xã.

Chúng tôi cũng sẽ khẩn trương thể chế hóa chủ trương của Đảng về khuyến khích, bảo vệ tổ chức, cá nhân dám đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Đồng thời hoàn thiện cơ chế phân cấp, phân quyền, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp, giao thoa, bỏ sót nhiệm vụ giữa cơ quan, tổ chức, gắn với cá thể hóa trách nhiệm cá nhân và kiểm soát quyền lực chặt chẽ.

Nhiệm vụ thứ hai là đổi mới và hoàn thiện cơ chế quản lý cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong hệ thống chính trị và xây dựng cơ chế liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp huyện, cấp tỉnh.

Cùng với đó, khẩn trương hoàn thiện việc xây dựng vị trí việc làm của cả hệ thống hành chính từ Trung ương đến cấp xã; cơ cấu, sắp xếp lại đội ngũ theo vị trí việc làm và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Bộ sẽ tham mưu phối hợp, xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút và trọng dụng nhân tài cho nền công vụ; về tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, nâng cao đạo đức, văn hóa công vụ….

Thứ ba, tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2022-2025; phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM; xây dựng và hoàn thiện Đề án “Mô hình tổ chức chính quyền đô thị trực thuộc cấp tỉnh”.

Chúng tôi cũng sẽ tham mưu tích cực cho Ban chỉ đạo của Chính phủ hoàn thành sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy bên trong bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ ngay trong quý I-2022.

Thứ tư, triển khai hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính đến năm 2030. Tập trung cải cách thủ tục hành chính một cách quyết liệt, đồng bộ, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch…

. Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Đọc thêm