Nhân kỷ niệm 46 năm thống nhất đất nước, Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với Đại sứ Luận Thùy Dương về vị thế của Việt Nam.
. Phóng viên: Thưa đại sứ, cảm xúc của bà như thế nào khi tháng 4 năm nay, tháng đánh dấu 46 năm thống nhất đất nước trùng với tháng Việt Nam làm Chủ tịch HĐBA LHQ?
+ Đại sứ Luận Thùy Dương: Tự hào là cảm xúc tràn ngập trong tôi. 46 năm là quãng thời gian vừa dài vừa ngắn để đất nước chúng ta bước ra từ chiến tranh, thống nhất đất nước, vừa giải quyết hậu quả của chiến tranh vừa hàn gắn quan hệ với nhiều quốc gia trên thế giới, để rồi chúng ta không chỉ hội nhập quốc tế mà còn từng bước bước vào vũ đài chính trị quốc tế và đảm nhận trọng trách lớn lao tại các tổ chức quốc tế lớn, trong đó có LHQ.
Đại sứ Luận Thùy Dương.
Việc Việt Nam trúng cử là Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ với số phiếu gần như tuyệt đối không chỉ thể hiện được năng lực mà còn thể hiện được uy tín quốc tế của chúng ta. Trong tháng 4 này, chúng ta vừa kỷ niệm ngày lễ lớn của dân tộc trong khi chúng ta đồng thời đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐBA LHQ trong một tháng. Ngoài cảm xúc tự hào, tôi còn thấy tự tin rằng Việt Nam ta sẽ kết hợp rất tốt sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại, vừa có trách nhiệm vừa rất chủ động trong ứng phó với mọi tình huống và đề xuất được nhiều cách đối phó với nhiều vấn đề quốc tế để hoàn thành tốt trọng trách.
. Vị thế và hình ảnh Việt Nam sau 46 năm đã đổi thay như thế nào?
+ Quốc tế đã không còn coi chúng ta là một quốc gia chiến tranh, một quốc gia nghèo đói, một quốc gia cần tiếp nhận viện trợ, một quốc gia đang phát triển, mà đã coi chúng ta là một quốc gia phát triển nhanh, mạnh, hiện đại, thậm chí còn được coi là một quốc gia tầm trung ở khu vực Đông Á và có vị trí quan trọng trong ASEAN cũng như trong nhiều tổ chức quốc tế.
. Phải thừa nhận rằng về mặt dư luận quốc tế vẫn còn những hoài nghi về tiềm năng và tương lai phát triển của Việt Nam, nhất là khi các chỉ số cạnh tranh của Việt Nam về đầu tư, nguồn nhân lực… còn nhiều vấn đề. Theo đại sứ, đâu là những thách thức lớn nhất mà Việt Nam đang phải đối mặt và cần phải vượt qua?
+ Thách thức lớn nhất đối với Việt Nam là phát triển bền vững. Việt Nam cần có chiến lược phát triển lâu dài một cách bền vững, trong đó các vấn đề vừa đề cập phải được giải quyết triệt để, không còn bất cứ sự hoài nghi nào về việc chúng ta có chỉ số cạnh tranh mạnh, năng lực đầu tư dồi dào và nguồn nhân lực trình độ cao. Đồng thời chúng ta phải theo kịp với những bước tiến về khoa học công nghệ trên thế giới của thời đại công nghiệp số.
. Xin cám ơn bà.