LTS: Khi TP.HCM giãn cách nghiêm ngặt, “ai ở đâu ở yên đó” thì cùng với đội quân áo trắng y bác sĩ, những chiến sĩ áo xanh của lực lượng công an, quân đội, hàng vạn cán bộ cơ sở đã cùng xông vào cuộc chiến chống dịch COVID-19. Mỗi cán bộ phường, khu phố, tổ dân phố… đã trở thành những chiến sĩ ngày đêm, tỏa ra khắp nơi để giúp người dân bất kể việc gì.
Để hiểu hơn về những hy sinh thầm lặng ấy, Pháp Luật TP.HCMxin giới thiệu với bạn đọc tuyến bài “Những cán bộ lặng thầm trong cuộc chiến chống dịch”.
Chúng tôi ghé trụ sở phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP.HCM vào một chiều tháng 9. Lúc này, tại trụ sở một phường đông dân trên địa bàn TP đang được chất đầy những thùng hàng là nhu yếu phẩm, thực phẩm, rau củ quả. Cán bộ phường cùng tình nguyện viên (TNV) đang tất bật lựa rau củ, đóng gói rồi chất lên các xe ba gác, đưa đến tay người dân.
Anh Nguyễn Hoàng Phúc trưng dụng hai ô tô của mình để sử dụng trong nhiều hoạt động phòng chống dịch của phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân. Ảnh: LÊ THOA
Chở năm người nhà nhiễm COVID-19 đi cách ly
Tại đây, chúng tôi đã gặp một số TNV trẻ, có người làm dịch vụ vận chuyển, có bạn làm shipper, thậm chí có cả sinh viên...
Anh Nguyễn Hoàng Phúc (25 tuổi) trưng dụng ô tô của mình tham gia vào nhóm chở F0 đến khu cách ly tập trung, đưa đón đội ngũ y bác sĩ đến điểm tiêm, xét nghiệm, cấp cứu ôxy và muôn vàn công việc khó gọi tên khác ở phường.
Anh Phúc cho biết ban đầu làm công việc hỗ trợ nhập liệu, sau đó mỗi khi phát hiện F0 thì anh cùng nhóm TNV được trạm y tế liên lạc để sắp xếp đón họ từ nhà đến khu cách ly mà không cố định thời gian.
Cầm lái không biết mấy mươi chuyến xe chở F0 đi cách ly, thế nhưng điều không ngờ nhất là chính anh phải cầm lái đưa năm người trong gia đình đi điều trị. “Hôm đó, tôi nhận danh sách chở F0 thì thấy địa chỉ nhà đối diện, cảm giác thấy không ổn rồi nên vội mua kit test về thử thì 5/7 người trong nhà mình dương tính. Điều may mắn là tôi chở năm người đi thì cũng chở đủ năm người về khỏe mạnh” - anh Phúc xúc động.
Có lần F0 điều trị tại nhà cần bình ôxy khẩn cấp, anh Phúc tức tốc cùng nhân viên y tế đến hồi sức, cấp cứu giúp bệnh nhân. “23 giờ, chúng tôi nhận được tin F0 có nồng độ Spo2 quá thấp, mất nhận thức. Hơn 2 tiếng hồi sức thì bệnh nhân tỉnh táo nhưng đến 6 giờ sáng thì nhận tin người này mất. Tôi thực sự rất bàng hoàng” - anh Phúc chia sẻ.
Đồng hành trong nhóm TNV trẻ có Lâm Phòng Đạt, sinh viên năm thứ hai Trường ĐH Văn Lang. Xuất phát là TNV của Thành đoàn, Đạt được phân về làm điều phối các điểm tiêm ở quận Bình Tân, sau thấy phường Bình Trị Đông cần TNV nên Đạt đến đầu quân. Ban đầu, Đạt đi đi về về nhưng sau thì xin ngủ lại phường để tiện cho công việc và đảm bảo an toàn cho gia đình.
“Lúc đầu tôi không dám nói với ba mẹ là mình đi chở F0, sau này mới dám nói thì ba mẹ kêu tôi suy nghĩ kỹ, thấy không ổn thì về nhà. Rồi ba mẹ tôi dặn làm gì cũng phải cẩn thận” - Đạt kể.
Đạt phấn khởi chia sẻ việc đi làm tình nguyện đã giúp mình được trải nghiệm nhiều công việc khác nhau, từ lái xe, đi cấp cứu hay làm điều phối viên… “Cũng nhờ vậy mà tôi đã trưởng thành hơn” - Đạt nói.
Nhóm tình nguyện viên của phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân đón các F0 đến khu cách ly tập trung. Ảnh: LÊ THOA
Vị chủ tịch phường cầm lái đi chở F0
Trong suốt cuộc trò chuyện với các TNV, các bạn thường xuyên nhắc đến ông Võ Văn An, Chủ tịch UBND phường Bình Trị Đông.
“Ông An đang điều trị COVID-19 tại khu cách ly tập trung ở phường” - các TNV bảo và nói ông luôn đặt mình vào vị trí người dân khi vào khu cách ly tập trung. Mỗi khi khỏe chút ông lại đi lòng vòng coi bà con điều trị thế nào, thiếu thốn gì để báo về hỗ trợ.
Ông Võ Văn An còn nhiều lần bỏ tiền túi hỗ trợ riêng cho các TNV ở lại đồng hành cùng phường chống dịch. “Nhiều hôm chúng tôi chạy cả đêm về muộn nên sáng ảnh lẳng lặng xách xe đi đón các bác sĩ đến điểm tiêm vì sợ chúng tôi mệt, thiếu ngủ” - anh Nguyễn Hoàng Phúc nói và bảo ông An lăn xả đến mức còn cùng các anh chở F0, 4-5 giờ sáng mới về. Những lần như thế ông An luôn là người cầm lái.
Những ngày ở phường chống dịch, nhiều người chứng kiến cảnh vị chủ tịch UBND phường Bình Trị Đông làm việc xuyên suốt, xong việc này thì ôm việc khác, nhiều lúc mệt quá mới tranh thủ chợp mắt một chút. Có lần thấy TNV vừa đưa F0 về, mệt lả nên ông An nhường luôn suất cơm của mình.
Tối 19-9, qua điện thoại, chúng tôi hay tin ông Võ Văn An vừa được rời khu cách ly tập trung để về địa phương cách ly. Nói về công việc của mình, ông An cho biết do nguồn nhân lực của phường không nhiều, chưa kể có thời điểm nhiều cán bộ nhiễm bệnh, lại thấy các TNV cực khổ nên xót, hơn hết bản thân ông cũng là người không nề hà công việc nên thấy việc là lao vào phụ.
“Các TNV ở đây đều làm không công. Đi cùng họ mới thấy họ cực như thế nào, rất nhiều việc từ cấp cứu, chở F0 đến chở thực phẩm. Mấy lần đầu mặc đồ bảo hộ xuyên suốt cũng căng thẳng, khó thở muốn lả đi nhưng khi hoàn thành xong việc, cấp cứu được một người thì đều cảm thấy rất vui” - ông An kể.
Ngày đầu trở về phường sau thời gian trị bệnh, vị chủ tịch phường bảo chỉ muốn cầm lái đi chở F0 ngay cùng anh em nhưng còn trong thời gian cách ly nên hẹn các đồng đội trẻ sau mấy ngày nữa.
Nhân viên phường thành người xịt khuẩn chuyên nghiệp Cũng tại trụ sở phường Bình Trị Đông, chúng tôi bắt gặp anh Trần Võ Đức Tiến, nhân viên hợp đồng phụ trách kinh tế - môi trường của phường, đang trong bộ đồ bảo hộ, vác trên lưng bình khử khuẩn nặng nề về đến phường sau khi xịt khử khuẩn cho một nhà có F0 vừa được đưa đi cách ly.
Được biết trước đó, anh Tiến là cán bộ không chuyên trách của phường phụ trách sao y, chứng thực nhưng thuộc diện tinh giản biên chế. Sau anh quay lại phường làm nhân viên hợp đồng để giảm áp lực cho phường nhưng chưa được bao lâu thì đợt dịch thứ 4 ập đến. Anh Tiến ở lại trụ sở phường và làm nhiệm vụ xịt khử khuẩn tại nhà có F0 đi cách ly, F0 mất, bãi rác, thu gom rác thải y tế, điều phối các điểm tiêm, xét nghiệm... Đối với việc khử khuẩn ở những nhà có F0 điều trị, anh Tiến cẩn thận phun xịt mọi bề mặt, khi F0 điều trị xong thì anh xuống xịt khử khuẩn lần nữa. Trường hợp F0 vừa được đưa đi cách ly thì anh đến mời người thân ra ngoài để xịt và khoảng 1 tiếng sau mới vào nhà lại. Đặc biệt, trường hợp gia đình có F0 vừa mất thì anh cũng nhanh chóng có mặt để xịt khử khuẩn. “Mấy ngày đầu làm việc này, vì chưa quen nên mỗi lần về là cảm thấy bản thân trầm cảm 20 phút, cảm giác khó tả trong người lắm vì họ còn nằm ở đó mà” - anh Tiến chia sẻ và cho hay mặc dù đối diện với nguy cơ lây bệnh nhưng anh không quá lo lắng mà luôn cố gắng bảo hộ cẩn thận, súc mũi, miệng sau mỗi lần về. |