Sáng 10-5, các ứng viên đại biểu HĐND TP.HCM khóa X, đơn vị bầu cử số 17 TP.HCM đã có buổi tiếp xúc với cử tri quận Bình Thạnh.
Đơn vị bầu cử số 17 gồm: bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM; ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM; Bí thư Quận ủy quận Bình Thạnh Vũ Ngọc Tuất; Chuyên viên phòng công tác HĐND Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND TP.HCM Nguyễn Thi Thanh; ông Nguyễn Văn Thưởng (Thượng tọa Thích Minh Thành), Phó ban Giáo dục Phật giáo Trung ương Giáo hội.
Các ứng cử viên đại biểu HĐND đã trình bày chương trình hành động của mình với cử tri. Các cử tri đều gửi gắm sự tin tưởng của mình vào các ứng viên.
Ứng cử viên đại biểu HĐND TP.HCM, đơn vị bầu cử số 17 tiếp xúc cử tri quận Bình Thạnh. Ảnh: NGUYỆT NHI
Có tình trạng sợ trách nhiệm
Cử tri Nguyễn Minh Hùng, phường 2 bày tỏ mối quan tâm về việc chỉ số năng lực cạnh tranh của TP (PCI) đang tụt hạng so với các tỉnh, thành khác.
Theo cử tri, dù giữ vị trí đầu tàu về kinh tế, là một trong những TP đi đầu về nộp ngân sách cho Trung ương nhưng chỉ số PCI của TP.HCM thấp, trong khi tỉnh Quảng Ninh luôn giữ vị trí số 1.
Cử tri cho rằng, nếu trúng cử vào HĐND TP.HCM, các đại biểu phải xem lại lý do vì sao chỉ PCI tụt hạng, không thể vươn lên. “Do cơ chế, do con người hay yếu tố chủ quan nào?”- cử tri đặt câu hỏi.
Về ý kiến cử tri liên quan đến chỉ số PCI, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng cho biết lãnh đạo TP cũng rất trăn trở.
Cử tri Nguyễn Minh Hùng nêu ý kiến tại buổi tiếp xúc. Ảnh: NGUYỆT NHI
“Tại sao một TP đi đầu cả nước mà chỉ số PCI càng nói phấn đấu thì lại càng tụt hậu? Họp nội bộ cũng có mổ xẻ rất nhiều chứ không phải đợi cử tri lên tiếng. Tự mình cũng hiểu được mình mạnh cái gì mình yếu cái gì”- bà Thắng nói.
Bà chia sẻ, lãnh đạo TP đã nhìn ra những việc này, giao cho sở ngành giải quyết. Tuy nhiên thực chất vấn đề là do con người, sự phối hợp giữa các sở ngành, quận huyện còn rất kém.
Bà thừa nhận, cải cách nội bộ hiện nay còn nhiều vấn đề, trong đó có tình trạng sợ trách nhiệm chứ không phải không.
Bà nói, lãnh đạo TP chọn chủ đề năm 2021 là năm chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư để quyết liệt và chỉ ra rõ những sở ngành, đơn vị nào thậm chí ở thường trực ủy ban những khâu nào còn yếu để củng cố.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng trả lời các ý kiến của cử tri tại buổi tiếp xúc. Ảnh: NGUYỆT NHI
Xử lý Rạch Xuyên Tâm cũng là mong muốn của lãnh đạo TP
Nêu ý kiến tại hội nghị, cử tri Nguyễn Minh Hùng bày tỏ sự quan tâm về việc quy hoạch, giải tỏa rạch Xuyên Tâm vì đã kéo dài suốt 20 năm qua, gây nhiều khó khăn cho đời sống người dân.
Bà Phan Thị Thắng chia sẻ, rạch Xuyên Tâm là vấn đề nhức nhối đặt ra trong nhiều nhiệm kỳ, mỗi nhiệm kỳ đều có quyết tâm làm nhưng đến thời điểm này vẫn chưa giải quyết được. Bà nhấn mạnh, trách nhiệm giải quyết rạch Xuyên Tâm không chỉ là của quận Bình Thạnh, không chỉ là mong mỏi của người dân mà cũng là mong muốn của lãnh đạo TP.HCM.
Song, theo bà vấn đề ở đây là không đủ kinh phí, không đủ nguồn tiền để làm. Quận Bình Thạnh và TP cũng đã đưa ra các giải pháp như chia đoạn, làm cùng một lần, với kinh phí dự kiến lên đến hơn 9.000 tỉ đồng, trong đó chủ yếu là công tác giải phóng mặt bằng.
Bà nói, sẽ quyết tâm thực hiện việc xử lý rạch Xuyên Tâm trong nhiệm kỳ này.
“Ít ra cũng phải làm cái gì đó cho rạch xuyên Tâm, có thể chúng ta không làm hết cho tất cả các đoạn, không thể làm kịp trong nhiệm kỳ năm năm nhưng ít ra cũng phải khởi công được và làm được”- bà cho hay.
Cử tri Đinh Độc Lập nêu thực trạng tình hình tội phạm hiện nay đang ngày càng trở nên phức tạp. Ảnh: NGUYỆT NHI
Kéo giảm tội phạm phải bắt đầu từ an sinh, môi trường xã hội
Tại hội nghị, cử tri cũng đặt câu hỏi về vấn đề trật tự xã hội cho Phó Tổng biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM Nguyễn Đức Hiển.
Cử tri Đinh Độc Lập nêu thực trạng tình hình tội phạm hiện nay đang ngày càng trở nên phức tạp, các vụ trọng án với mức độ phạm tội nghiêm trọng gây bất an trong dân rất nhiều.
Từ đó, cử tri đặt câu hỏi, với vai trò là một lãnh đạo quản lý báo chí, ứng viên có giải pháp nào để ngăn chặn, kéo giảm tội phạm để bảo đảm môi trường sống an toàn cho người dân trong những năm tới.
Trao đổi với cử tri, ông Nguyễn Đức Hiển chia sẻ là một người được đào tạo về pháp luật, làm việc tại cơ quan Báo Pháp Luật TP.HCM, ông ý thức được rằng việc xử lý tội phạm chỉ là khâu cuối cùng mà xã hội phải đối diện để giải quyết tình trạng này.
Theo ông, phòng, chống tội phạm phải bắt nguồn từ việc kéo giảm nguyên nhân và điều kiện phạm tội. "Xử lý tội phạm phải bắt đầu từ vấn đề an sinh và môi trường xã hội chứ không phải từ công an hay tòa án"- ông nêu quan điểm.
Nếu trở thành đại biểu HĐND, ông Hiển cho rằng bản thân sẽ có thêm điều kiện để tìm hiểu nhiều hơn về nguyên nhân phát sinh tội phạm ở các môi trường cụ thể. Thông qua đó có kiến thức, kỹ năng, thông tin cụ thể và điều kiện tác động vào cơ quan quyền lực của TP.HCM là HĐND TP nhằm đưa ra những chính sách về xã hội mà trong đó có thể giúp kéo giảm tội phạm.
"Tôi cũng sẽ có điều kiện để giám sát hoạt động điều tra, truy tố, xét xử tội phạm, nâng cao hiệu lực xử lý tội phạm của hệ thống các cơ quan tố tụng" - ông Hiển nói thêm.
Phó Tổng biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM Nguyễn Đức Hiển trả lời ý kiến cử tri. Ảnh: NGUYỆT NHI
Nắm bắt các vấn đề dân sinh như cử tri đã phản ánh
Cử tri Huỳnh Ngọc Anh cũng có ý kiến về vấn đề giáo dục. Theo cử tri, hiện mức phí để nuôi một đứa trẻ đi học đối với một người dân có hoàn cảnh khó khăn là rất lớn. Cùng đó, cử tri cũng nhắc đến vấn đề nâng cấp hẻm làm sao để đảm bảo được sự đồng thuận giữa người dân và chính quyền.
Phó Tổng biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM nhìn nhận, đúng là nhà nước có nhiều chính sách để hỗ trợ, vận động nhằm hỗ trợ người nghèo trong vấn đề nuôi con đi học. Tuy nhiên tỉ lệ giữa phần được miễn giảm với tổng chi phí nuôi một người con từ lúc đi học cho đến lúc kết thúc cơ bản giáo dục phổ thông là rất lớn.
Theo ông, hiện có nhiều trường hợp được miễn giảm học phí theo diện hộ nghèo, hộ chính sách nhưng tỉ lệ miễn giảm đó so với tổng chi vẫn là gánh nặng lớn với bà con có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là ở TP.HCM.
Về vấn đề nâng cấp hẻm, ông Hiển đánh giá đây là chủ trương lớn của TP. Hiện, việc đồng ý nâng cấp, mở rộng hẻm cũng phụ thuộc vào điều kiện của mỗi gia đình, dù nhà nước và nhân dân cùng làm nhưng cũng còn đó những người nghèo có hoàn cảnh khó khăn.
“Nếu những hộ này không tham gia được dẫn đến tiến độ, chất lượng các công trình mở rộng hẻm chậm thì ảnh hưởng không chỉ đến bà con trong hẻm mà cả môi trường sống chung của TP. TP.HCM hiện đại, nhiều cao ốc nhưng 90% người dân sống trong các con hẻm. Du khách đến TP thì đi ở ngoài đường nhưng cuộc sống của người dân thì sống trong hẻm”- ông Hiển nhìn nhận.
Ông Hiển nói, ông ý thức được rằng việc nâng cấp, mở rộng hẻm cực kỳ quan trọng, cần có hỗ trợ nhiều hơn cho người dân. Với tư cách là ứng cử viên, nếu trở thành đại biểu sẽ có thêm cơ hội để tiếp xúc, gần gũi với bà con xử tri, nắm bắt các vấn đề dân sinh như cử tri đã phản ánh; từ đó ông sẽ gợi mở nhiều giải pháp giải quyết từ các nguồn lực, kể cả các nguồn xã hội hóa từ các mạnh thường quân để hỗ trợ bà con.
Phát triển ngành logistic, đề án du lịch thông minh Trong chương trình hành động, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng cho biết sẽ tập trung thực hiện các giải pháp phát triển nhanh, vững chắc các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, thế mạnh của TP trong lĩnh vực được phân công, thực hiện có hiệu quả đề án phát triển ngành logistics, đề án du lịch thông minh; chương trình liên kết phát triển du lịch TP.HCM và 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; chương trình kết nối các ngân hàng, tổ chức tài chính và nhà nước để hỗ trợ vốn tốt hơn cho doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn TP... Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài chính công, tăng quy mô ngân sách đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển TP. Cải tiến, tăng cường các biện pháp quản lý thu hiệu quả, nhất là đối với các nguồn thu tiềm năng, bồi dưỡng nguồn thu, huy động, sử dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi và tín dụng nhỏ theo nhu cầu của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hỗ trợ kéo giảm các thiếu hụt về dịch vụ xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Bà cho biết sẽ đẩy mạnh việc kết nối cung cầu; thực hiện các giải pháp thiết thực để phát triển nông sản sạch; gắn doanh nghiệp với nông dân, ngư dân, phát triển nhanh các loại hình bán lẻ hiện đại, nâng cao chất lượng xuất khẩu và hiệu quả chương trình bình ổn thị trường. Nghiên cứu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền ban hành bổ sung cơ chế, chính sách hợp lòng dân để phát huy nguồn lực từ nhân dân và doanh nghiệp cho sự phát triển TP. Đồng thời, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nắm sát diễn biến tình hình cơ sở, giải quyết công việc kịp thời, hiệu quả, minh bạch, đúng quy định. |