Ngày 17-6, Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), Bộ Công an tổ chức hội nghị thông tin công tác trật tự an toàn giao thông (TTATGT) sáu tháng đầu năm.
Một trong những nội dung quan trong của hội nghị là đánh giá về kết quả sau một tháng thực hiện kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ.
Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng Cục CSGT. Ảnh: M.H
Xử phạt hơn 400.000 phương tiện
Theo thống kê, từ 15-5 đến 14-6, lực lượng CSGT toàn quốc đã phát hiện, xử lý hơn 400.000 trường hợp vi phạm. Trong đó có hơn 20.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, 276 lái xe dương tính với ma túy.
Thông qua công tác xử lý vi phạm, CSGT tước giấy phép lái xe (GPLX) trên 27.000 trường hợp, tạm giữ 61.500 phương tiện. So với thời gian liền kề trước khi thực hiện kế hoạch, số trường hợp vi phạm tăng 160%.
Ngoài ra, lực lượng cũng phát hiện, bắt giữ 95 vụ vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy; 95 vụ buôn lậu và gian lận thương mại; thu giữ là 18 bánh heroin, 3,572 kg heroin, 14,6 kg ma túy đá, 2 kg ketamin và 30.046 viên ma túy tổng hợp…
Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng Cục CSGT, cho biết do tác động của dịch bệnh COVID-19 cũng như tình trạng sử dụng rượu bia khi lái xe, tụ tập đua xe trái phép, tình hình TTATGT có nhiều diễn biến phức tạp. Do vậy, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ được triển khai.
Sau một tháng thực hiện, tình hình TTATGT đã có những chuyển biến rất tích cực, ý thức người dân về việc chấp hành pháp luật giao thông tăng cao.
Người đứng đầu Cục CSGT khẳng định kế hoạch này giúp người dân chủ động kiểm tra đầy đủ các giấy tờ phương tiện trước khi tham gia giao thông, như một mệnh lệnh để tuyên truyền nâng cao ý thức lái xe.
Cục trưởng C08 cũng cho hay sắp tới lực lượng CSGT sẽ tiếp tục thực hiện các kế hoạch chuyên đề về ma túy, vi phạm nồng độ cồn và các vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông. Đối với chuyên đề về nồng độ cồn, CSGT vẫn có thể dừng xe kiểm tra mà không cần lỗi vi phạm.
Nói thêm về vấn đề này, Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng tuyên truyền, hướng dẫn giải quyết tai nạn giao thông, nhấn mạnh đến việc một số hành vi vi phạm chỉ được phát hiện sau khi tiến hành dừng kiểm tra phương tiện, như vi phạm về cồn, ma túy…
Thực tế, kết quả đã chứng minh khi chỉ trong vòng một tháng, CSGT đã phát hiện tới hơn 20.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, 276 lái xe dương tính với ma túy.
Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng tuyên truyền, hướng dẫn giải quyết tai nạn giao thông (Cục CSGT). Ảnh: M.H
Nhiều đề xuất mới về an toàn giao thông
Cũng tại hội nghị, lãnh đạo Cục CSGT dành nhiều thời gian nói về dự thảo Luật bảo đảm TTATGT đang được lấy ý kiến trong nhân dân. Dự án này, Bộ Công an có rất nhiều đề xuất mới đáng chú ý, điển hình là quy định về trừ điểm GPLX.
Theo dự thảo, mỗi GPLX sẽ có tổng số điểm là 12, khi vi phạm sẽ bị trừ điểm. Số điểm này sẽ được cập nhật trên hệ thống cơ sở dữ liệu, nếu bị trừ hết thì tài xế phải thi sát hạch lại.
Đại tá Nguyễn Quang Nhật đánh giá đây là quy định rất văn minh, đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng. Theo quy định hiện hành, một số hành vi khi tài xế vi phạm sẽ bị tước GPLX ngay nhưng với quy định mới, họ sẽ chỉ bị trừ điểm trên GPLX, vẫn tiếp tục được lái xe, qua đó ý thức cũng nâng cao hơn.
Ngoài ra, trong dự thảo cũng quy định rõ 10 hành vi và nhóm hành vi khi vi phạm tài xế sẽ bị tước quyền sử dụng GPLX ngay lập tức, 28 hành vi và nhóm hành vi khi vi phạm tài xế sẽ bị trừ điểm.
Giới thiệu thêm, Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng nói việc trừ điểm GPLX nhân văn và thuận lợi hơn vì có tính cảnh báo với người tham gia giao thông. Bởi khi đã bị trừ điểm, tài xế chắc chắn sẽ cẩn thận, chấp hành luật tốt hơn trong lần lái tiếp theo.
Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông, sáu tháng đầu năm 2020, cả nước xảy ra 6.781 vụ tai nạn giao thông, làm chết 3.235 người, làm bị thương 4.939 người. So với cùng kỳ năm 2019, giảm 1.598 vụ (giảm 19,07%), giảm 572 người chết (giảm 15,03%), giảm 1.419 người bị thương (giảm 22.32%) Tuy nhiên, Cục Cảnh sát giao thông nhận định vẫn còn xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, trong đó nguyên nhân do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia. |