Khu đất vàng 22-24 Hàng Bài, Hà Nội: Đền bù 47 tỉ đồng cho 71 m2 đất

Như tin đã đưa, ngày 12-7 cơ quan chức năng quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) bắt đầu cưỡng chế giải tỏa năm hộ dân còn sót lại tại khu đất vàng 22-24 Hàng Bài. Tuy nhiên, vào giờ chót, các hộ dân này đã ký biên bản tự nguyện di dời.

Mức bồi thường kỷ lục

Để đạt được điều này, tối 11-7, quận Hoàn Kiếm đã tổ chức cuộc họp để các hộ dân và chủ đầu tư (Công ty Cổ phần Thời Đại Mới T&T) thương lượng lần cuối. Đến 23 giờ, hai bên đã nhất trí mức bồi thường, hỗ trợ là 47 tỉ đồng cho 51 m2 đất sử dụng riêng và 20 m2 nhà đất sử dụng chung còn lại tại khu đất này. Trong đó, gần 38 tỉ đồng là tiền bồi thường, hỗ trợ và tiền chủ đầu tư mua lại suất tái định cư tại chỗ của năm hộ dân. Đây được xem là mức bồi thường, hỗ trợ kỷ lục của TP Hà Nội.

Sáng 12-7, lực lượng cưỡng chế vẫn có mặt nhưng chủ yếu để hỗ trợ các gia đình di chuyển đồ đạc tới nơi ở tạm thời. Phía chủ đầu tư và lãnh đạo địa phương đều tỏ vẻ hài lòng khi không phải sử dụng biện pháp mạnh đối với các hộ dân.

Về phía người dân phải di dời, ông Hoàng Quốc Định giãi bày: “Chúng tôi thấy mức bồi thường, hỗ trợ đó chấp nhận được nên tự nguyện ra đi. Điều chúng tôi thấy được nhất là chủ đầu tư đã ngồi lại thỏa thuận với người dân. Đây là dự án phục vụ kinh doanh, chủ đầu phải thỏa thuận với chúng tôi chứ không thể ép được”.

Khu đất vàng 22-24 Hàng Bài, Hà Nội: Đền bù 47 tỉ đồng cho 71 m2 đất ảnh 1

Khu đất này qua bảy năm mới bồi thường giải phóng, mặt bằng xong. Ảnh: HOÀNG VÂN

Khu đất vàng 22-24 Hàng Bài, Hà Nội: Đền bù 47 tỉ đồng cho 71 m2 đất ảnh 2

Các hộ dân đang di dời khỏi nhà trong ngày 12-7. Ảnh: HOÀNG VÂN

Được biết năm 2004, UBND TP Hà Nội có quyết định giao khu đất trên (diện tích hơn 4.000 m2, nằm cạnh hồ Gươm với hai mặt tiền nằm trên các phố lớn là Hàng Bài và Hai Bà Trưng) cho Công ty T&T thuê xây dựng trung tâm thương mại văn phòng và nhà ở tái định cư tại chỗ. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa được thực hiện do vướng khâu giải phóng mặt bằng. Một số hộ dân không đồng ý với mức giá bồi thường, hỗ trợ của quận Hoàn Kiếm và chủ đầu tư đưa ra, đồng thời đòi bồi thường với mức 1 tỉ đồng/m2.

Nhà nước cần tạo quỹ đất sạch

Nói về con số 1 tỉ đồng/m2, bà Vũ Thị Minh Hồng, Phó Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam), trăn trở: “Đó là nguyên nhân chính khiến khu đất này bị bỏ hoang nhiều năm, gây lãng phí lớn cho xã hội. Rất mừng là mọi việc đã được giải quyết ổn thỏa. Tuy nhiên, hệ lụy từ câu chuyện này rất lớn, đó là nó đã thiết lập một mặt bằng giá mới đủ sức làm choáng váng các nhà đầu tư muốn thực hiện những dự án lớn ở Hà Nội sau này”.

Trưởng ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng TP Hà Nội Nguyễn Đắc Biền phân tích thêm: “Việc để nhà đầu tư tự thỏa thuận bồi thường với người dân như con dao hai lưỡi và nhiều trường hợp đã có tác dụng ngược. Việc bồi thường thiếu công bằng giữa các hộ dân khiến một số dự án bị người dân phong tỏa, đòi lại đất, cản trở thi công. Thời gian qua, Hà Nội đã phải ra tới 25 quyết định cưỡng chế di dời đối với người dân ở một số dự án có thu hồi đất”.

Để khắc phục những vướng mắc trên, ông Biền đề xuất Nhà nước nên thống nhất chính sách bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất. Điều này được thực hiện đối với cả dự án do Nhà nước thu hồi đất lẫn dự án do doanh nghiệp tự thỏa thuận. Lý tưởng nhất là Nhà nước thực hiện giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch. Doanh nghiệp khi đầu tư dự án sẽ thuê đất trực tiếp của Nhà nước, không trực tiếp thỏa thuận bồi thường với người sử dụng đất.

Từng đòi bồi thường tới 150 tỉ đồng

Theo quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các hộ dân ở khu đất này (năm 2009), cả năm hộ gia đình chỉ được bồi thường, hỗ trợ trên 5 tỉ đồng.

Cuối năm 2010, đại diện năm hộ gia đình yêu cầu được bồi thường, hỗ trợ 150 tỉ đồng, sau đó rút xuống 67 tỉ đồng. Đầu năm 2011, chủ đầu tư đồng ý mua lại diện tích đất trên với giá gần 38 tỉ đồng nhưng các hộ dân không đồng ý.

Cả năm hộ dân đều hợp tác rất tốt và chúng tôi không phải áp dụng các biện pháp cưỡng chế. Hiện các hộ này đều đã có nhà ở.

Ông LÂM QUỐC HÙNG, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm

Phương án bồi thường, mua lại suất tái định cư tại chỗ của các hộ dân được tính như sau: tầng một phía ngoài mặt phố là 500 triệu đồng/m2; tầng một phía bên trong là 300 triệu đồng/m2; tầng hai là 200 triệu đồng/m2.

Ông TRẦN HỒNG SƠN, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty T&T

Để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, điều quan trọng là chủ đầu tư và người dân cần phải biết quyền và nghĩa vụ của mình tới đâu. Cùng đó, việc bồi thường, giải phóng mặt bằng trong từng dự án phải được công khai, rõ ràng. Khi người dân đã thông rồi thì việc bồi thường mới dễ thực hiện.

Ông NGUYỄN ĐẮC BIỀN, Trưởng ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng TP Hà Nội

HOÀNG VÂN  

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm