Chiều 7-12, tại kỳ họp thứ 4 HĐND TP Cần Thơ, các đại biểu đã đặt nhiều câu hỏi chất vấn đối với các sở, ngành và UBND TP.
Trong đó, đại biểu hỏi về một vấn đề như công tác lập quy hoạch chậm; Giải pháp phục hồi kinh tế TP; Vì sao dừng xây dựng dự án công viên sau kè sông Cần Thơ; Công tác thu hút đầu tư hạn chế và giải pháp sắp tới như thế nào…
Quy hoạch chậm, thu hút đầu tư ít
Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch thường trực UBND trả lời một số nội dung thuộc trách nhiệm của UBND TP và Sở KHĐT (do Giám đốc Sở này đang công tác ở Hà Nội).
Kỳ họp thứ 4 HĐND TP Cần Thơ tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn từ chiều 7-12. Ảnh: NHẪN NAM
Theo đó, ông Hiển cho biết, thời gian vừa qua, công tác lập quy hoạch tích hợp của TP Cần Thơ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 còn chậm so với kế hoạch đề ra. Nguyên nhân chậm do việc này cũng mới mẻ, công việc chọn tư vấn lập quy hoạch phải tổ chức đấu thầu quốc tế để chọn lựa. Cạnh đó, nguyên hân khách quan là do tình hình dịch bệnh phức tạp.
Việc lập quy hoạch chia ra ba giai đoạn, đến nay TP đã làm xong kỳ đầu. Sở KHĐT đã chuẩn bị báo cáo TP về kỳ đầu. Đang tập trung gần xong kỳ giữa, theo Sở KHĐT trong tháng 1-2022 sẽ báo cáo kỳ giữa. Theo kế hoạch, TP trình quy hoạch cho Chính phủ vào tháng 3-2022, nhưng theo thực tế thì không kịp kế hoạch này, dự kiến đến tháng 6-2022 mới xong để trình Chính phủ phê duyệt.
Cạnh đó, ông Hiển cũng thừa nhận “đánh giá thu hút đầu tư của chúng ta còn ít, chậm là đúng”. Nguyên nhân là quy hoạch đất đai, sử dụng đất, đến nay một số quy hoạch không còn phù hợp. Hai là chọn lựa nhà đầu tư theo quy định là phải đấu thầu, mà đấu thầu khá phức tạp… Ba là tình hình dịch bệnh.
Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Dương Tấn Hiển trả lời chất vấn tại điểm cầu UBND TP. Ảnh chụp qua màn hình. Ảnh: NHẪN NAM
Để khắc phục, UBND TP đẩy nhanh tiến độ quy hoạch, nhất là quy hoạch tích hợp của TP; Khẩn trương rà soát các quy hoạch khu tái định cư; Tăngcường công tác quảng bá, xúc tiến và thu hút đầu tư, xây dựng hình ảnh... Một vấn đề được nhiều nhà đầu tư quan tâm là TP sắp được Quốc hội quyết về một số cơ chế chính sách đặc thù. Cạnh đó, sắp tới có đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cần Thơ – Cà Mau và một số tuyến đường của TP.
TP tiếp tục quy hoạch hoặc xây dựng một số khu kêu gọi nhà đầu để “mồi”, nghĩa là nhà đầu tư này vào sẽ thu hút nhà đầu tư khác, đó là khu công nghiệp ở Vĩnh Thạnh, Ô Môn, các dự án logistic hàng không, Trung tâm tài chính khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Trung tâm dịch vụ du lịch Ninh Kiều…
Cố gắng kiểm soát dịch, phục hồi kinh tế
Theo ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Cần Thơ, muốn phục hồi kinh tế trước hết TP phải kiểm soát được tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Đợt dịch này đến nay còn phức tạp, với số ca nhiễm trên 30.000 ca. Những ngày qua TP quyết liệt thu dung điều trị. Ngoài năng lực của TP thì TP cũng kêu gọi và nhờ tới trung ương, Bộ Y tế, TP.HCM và Bình Dương tiếp TP hỗ trợ công tác thu dung điều trị tầng 2 và 3. TP đã nhận được sự quan tâm hỗ trợ.
“Tôi cũng tin tưởng rằng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, được sự hỗ trợ của trung ương và các tỉnh thì chúng ta sẽ sớm vượt qua khó khăn, kiểm soát được dịch bệnh để chúng ta phục hồi kinh tế, theo chỉ đạo của trung ương về thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch tốt vừa phục hồi kinh tế” – Phó chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ cho hay.
Cũng theo ông Hiển, khi phục hồi kinh tế thì trước hết phải tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Trong đó, giải pháp đầu tiên chính là cơ chế về tài chính (gồm chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ). Chính sách tài khóa thì TP áp dụng đầy đủ các quy định của trung ương như miễn giảm tiền thuê đất; giảm, giãn, tạm ngưng thu, miễn thuế; giảm giá tiền điện, nước…
Chính sách về tiền tệ thông qua hệ thống ngân hàng như cho vay trả lương, ưu đãi cấp vốn sản xuất. Cạnh đó, TP cũng tạo một nguồn lao động phục vụ cho các doanh nghiệp; mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa đối tác và nguồn hàng… để đẩy mạnh xuất khẩu.
Nông nghiệp là một ngành gắn liền với đời sống của TP, dù tỉ trọng không lớn nhưng ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân, thì TP quan tâm tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị…
2 dự án ODA lớn
Về dự án sau kè thuộc Dự án kè sông Cần Thơ. Ông Hiển cho rằng đây là dự án rất quan trọng, đã triển khai kè bên bờ Cái Răng, đang triển khai kè bên bờ Ninh Kiều dài tới Cái Răng. Dự án kè sông Cần Thơ quy mô lớn, vốn đầu tư nhiều. Sau khi làm kè thì làm hành lang cho người đi bộ rộng khoảng 7m thông suốt từ bến Ninh Kiều dài tới cầu Cái Răng. Làm đường sau kè chỉ thực hiện có một đoạn từ chợ Xuân Khánh đến đường Tầm Vu. Phần còn lại không làm công viên và đường sau kè do nguồn vốn quá lớn, khả năng vốn ngân sách đối ứng không đáp ứng.
“Báo cáo các vị đại biểu, vốn ước tính phần giải phóng mặt bằng khoảng 3.000 tỉ, với số hộ phải di dời, tái định cư là khoảng 2.000. Như thế lượng tiền và số hộ phải di dời quá lớn trong khi nền tái định cư của TP còn khó khăn. Do đó, TP dự tính để phần công viên và đường cho dự án khác” – ông Hiển cho hay.
Đại biểu HĐND TP Cần Thơ Thiều Quang Thân đặt câu hỏi chất vấn tại kỳ họp chiều 7-12. Ảnh: NHẪN NAM
Liên quan dự án hồ Búng Xáng thiếu đèn chiếu sáng, đường bên hồ ngập nước, thiếu tường rào bảo vệ cho người dân, ông Hiển cho biết dự án kết thúc cuối năm 2019. Sau khi kết thúc dự án còn nhiều hạng mục chưa hoàn thiện, chưa phục vụ tốt cho người dân ven hồ. Vấn đề này Ban Quản lý ODA đã đề xuất và TP sẽ xem xét bổ sung từ nguồn vốn địa phương để đảm bảo an toàn cho người dân và mỹ quan hồ Búng Xáng.
“Việc ngập nước, xin nói thật, lúc đó tôi làm chủ tịch UBND quận Ninh Kiều tôi cũng thấy sao mà lạ, cứ theo hỏi hoài, sao làm cốt nền quá thấp, có nghĩa trong điều kiện bình thường nước là 1.8 mà làm lề dưới hồ có 1.6. Cá nhân tôi nhiều lần thắc mắc, kiến nghị và được giải thích, nay xin giải thích lại là dự án 2 này gắn liền với dự án 3, mà trong dự án 3 có phần điều tiết nước.
Dự án 3 sẽ làm âu thuyền, xử lý hệ thống ngập cho quận Ninh Kiều, xử lý điều tiết nước của hồ này và theo giải thích lúc đó tôi nắm được nếu dự án 3 hoàn thành thì nước ở hồ này chỉ ở 1.5 thôi, và giữ mực nước điều hòa ở mức đó nên nó sẽ không ngập. Thiết kế thực hiện của dự án 3 sắp tới sẽ hài hòa dự án 2 thì lúc đó không còn ngập nữa” – ông Hiển thông tin.
Chủ tịch HĐND TP “đặt hàng” UBND TP Sau phần trả lời của ông Hiển, Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ Phạm Văn Hiểu cho rằng, quy hoạch là gốc rễ của vấn đề cho nên phải đẩy nhanh “gốc rễ” trước, sau đó TP đón nhận cơ chế. Từ cơ chế đó mà phân công phân nhiệm trong việc tham mưu, thể chế hóa ra thành các quy định của TP mới làm được. Mà cơ chế này chỉ cho thí điểm ba năm thôi chứ không phải cho mãi mãi… “Tóm lại, đề nghị UBND nâng cao kỷ luật kỷ cương, xác định trách nhiệm, chỉ đạo quyết liệt, đồng chí nào theo dõi công việc gì gạch đầu dòng ra, theo dõi tới cùng, thúc đẩy quyết liệt thì mới xong” – ông Hiểu nói. |