Lũ lịch sử ở Phú Yên làm 9 người chết và mất tích

Theo thông tin từ Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên (PCTT&TKCN), đến chiều 1-12, nhiều vùng ở tỉnh này vẫn còn bị ngập nặng, hàng ngàn người chưa thể trở về nhà.

Lũ ở Phú Yên làm ba người chết, sáu người mất tích. Trắng đêm 30-11, lực lượng cứu hộ tại chỗ và tỉnh đã đến các địa phương bị ngập sâu, kêu cứu do lũ lên nhanh để đưa người dân đến nơi an toàn. Tỉnh cũng đã sơ tán hơn 18.500 người đi tránh lũ.

Lực lượng quân đội cứu hộ người dân bị mắc kẹt giữa lũ trên sông Ba,
đoạn qua thị xã Đông Hòa, Phú Yên. Ảnh: TL

Lũ lên ào ạt, dân không kịp trở tay

Thống kê ban đầu, Phú Yên có hơn 50.000 căn nhà bị ngập, nặng nhất là TP Tuy Hòa. Hiện nước chưa rút hết nên chưa thể thống kê thiệt hại. Trong khi đó, nhiều tuyến giao thông trọng yếu vẫn còn bị ách tắc do còn ngập nước.

Theo ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên, Phó Ban chỉ huy PCTT&TKCN, đợt lũ này bằng đỉnh lũ lịch sử năm 1993. Trong khi đó, lãnh đạo một số địa phương ven sông Ba khẳng định đợt lũ này nước lên nhanh, dâng cao hơn đợt lũ năm 1993.

Ông Đỗ Văn Cấp, Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa, cho hay: Trong đêm 30-11, lũ lên rất nhanh, dâng cao khắp nơi, hàng ngàn người dắt nhau chạy lũ trong đêm. Nhiều người dân không kịp tìm đường thoát. Giữa đêm tối, người dân kêu cứu khắp nơi. Các lực lượng cứu nạn cứu được rất nhiều người, đưa đến nơi an toàn. Tuy nhiên, lực lượng cứu hộ không thể tiếp cận một số trường hợp do nước chảy quá xiết, địa hình nguy hiểm.

“Trận lũ này rất dữ, nước chảy rất xiết nên việc cứu hộ, cứu nạn cực kỳ khó khăn. Đây là lần đầu tiên có đến hơn 90% nhà dân ven sông Ba ở huyện Tây Hòa bị ngập nặng như vậy!” - ông Cấp nói.

Ông Cao Đình Huy, Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa, cũng nói đợt lũ này lên rất nhanh khiến nhiều người dân ở địa phương không thoát kịp, bị mắc kẹt trong các khu vực bị ngập sâu. Các lực lượng cứu hộ của TP Tuy Hòa đã cứu được rất nhiều người trong đêm.

Còn theo ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Đông Hòa, do các thủy điện trên lưu vực sông Ba đồng loạt xả lũ với lưu lượng lớn, lại liên tục tăng lưu lượng nên nước đổ xuống các vùng ven sông Ba nhanh. “Ở vùng ven sông Ba như xã Hòa Thành nước lên ồ ạt, người dân trở tay không kịp...” - ông Hồng nói.

Phú Yên bị động trong việc xả lũ

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một lãnh đạo UBND tỉnh Phú Yên khẳng định nguyên nhân chính làm tỉnh Phú Yên bị ngập nặng trong đợt này là các thủy điện ở Tây Nguyên đồng loạt xả lũ xuống sông Ba.

Các thủy điện Tây Nguyên ồ ạt xả lũ nhưng không thông báo trước cho Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ là thủy điện bậc cuối ở hạ lưu sông Ba. Từ đó, Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ phải liên tục tăng lưu lượng xả lượng nước khổng lồ từ thượng nguồn đổ xuống.

Theo vị lãnh đạo này, Phú Yên chỉ điều hành xả lũ theo quy trình vận hành liên hồ đối với các hồ chứa nước thủy điện trên địa bàn tỉnh như Sông Ba Hạ, Sông Hinh, Krông H’năng. Tỉnh Phú Yên không thể can thiệp việc xả lũ của các nhà máy thủy điện ở Tây Nguyên. “Chúng tôi sẽ kiến nghị Bộ Công Thương kiểm tra, rà soát lại quy trình vận hành liên hồ chứa trên sông Ba, thống nhất việc điều hành để phù hợp với thực tế” - vị lãnh đạo tỉnh Phú Yên thông tin.

Liên quan việc các hồ trên đổ xuống hồ dưới mà không có sự kết nối nào, ngày 1-12, ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về PCTT&TKCN, cho biết: Tối 30-11, ban mới nhận được công văn kêu cứu của tỉnh Phú Yên. “Tuy nhiên, có một điều là khi Phú Yên kêu cứu thì các hồ chứa ở thượng nguồn cũng đã đầy nước và sử dụng hết dung tích phòng lũ” - ông Hoài nói.

Kết luận tại cuộc họp, ông Lê Minh Hoan, Phó Trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc Công điện 1659 của Thủ tướng, chủ động thống kê thiệt hại để hỗ trợ cho người dân sớm ổn định cuộc sống, giúp bà con được ăn tết cổ truyền.

Ông Hoan cũng lưu ý các địa phương không chủ quan vì lũ đang rút nhưng vẫn còn ở mức cao, cần cảnh giác ở các khu vực xung yếu như bờ sông, bờ suối, vùng trũng thấp...•

Lũ lịch sử ở Phú Yên làm 9 người chết và mất tích ảnh 2
Hàng trăm ngôi nhà ở TP Nha Trang bị ngập sâu. Ảnh: CN

Hàng chục ngàn căn nhà ở Bình Định, Nha Trang bị ngập

Tại Bình Định, đến chiều 1-12, nhiều vùng dân cư vẫn còn bị cô lập, ngập nước; nặng nhất là huyện Tuy Phước, TP Quy Nhơn.

Đợt mưa lũ này ở Bình Định đã làm ba người chết, hai người bị thương. Lũ lụt đã làm ngập hơn 31.300 căn nhà, hàng trăm công trình giao thông, thủy lợi, dân sinh bị hư hỏng nặng, ước thiệt hại gần 150 tỉ đồng.

Tại TP Nha Trang (Khánh Hòa), mưa lớn cộng với việc xả nước ở các hồ chứa nên trong đêm 30-11, lũ trên sông Cái Nha Trang và sông Dinh lên nhanh (trên báo động 3), hàng trăm người dân phải đi sơ tán. Nhiều nơi ở TP Nha Trang ngập sâu, có nơi trên 2 m, nhiều nơi sạt lở... Các địa phương khác như Khánh Sơn, Khánh Vĩnh cũng ngập sâu.

Lũ cũng làm trôi hai sà lan cỡ lớn, va và làm hỏng hai đường ống cấp nước bắc ngang cầu Hà Ra. Đây là hai đường ống chính để cung cấp nước cho toàn bộ khu vực phía bắc TP Nha Trang, làm đời sống người dân đảo lộn.

Quốc lộ 27C qua đèo Khánh Lê có bảy vị trí sạt lở gây ách tắc giao thông. Còn đoạn qua huyện Khánh Vĩnh, khoảng 2.400 m3 đất, đá sạt lở gây ách tắc giao thông hoàn toàn. CÔNG NGUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy