Chiều 6-1, tại phiên thảo luận tổ của kỳ họp bất thường Quốc hội (QH) khóa XV, Đoàn đại biểu (ĐB) QH TP Cần Thơ tiếp tục thảo luận về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ.
Theo dự thảo nghị quyết của QH, dự kiến có tám nội dung cơ chế, chính sách đặc thù cho TP. Trong đó, nạo vét luồng Định An và việc chuyển mục đích đất trồng lúa dưới 500 ha là hai chính sách mới lần đầu thí điểm, không chỉ cho Cần Thơ mà còn mang tính toàn vùng.
Mỗi năm chi khoảng 30 tỉ đồng để nạo vét luồng Định An
Phát biểu tại buổi thảo luận, ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở GTVT, tán thành về các cơ chế, chính sách được nêu, đặc biệt là các dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ.
Theo ông Dũng, luồng Định An dài 234 km nhưng có khoảng 34 km là điểm tắc nghẽn. Mớn nước không đủ sâu để tàu 10.000 tấn vận tải và 20.000 tấn đi vào.
Ông Lê Quang Mạnh, Bí Thư Thành ủy Cần Thơ, tại buổi thảo luận. Ảnh: HẢI DƯƠNG
Bộ GTVT và Cục Hàng hải hằng năm đều chi khoảng 30 tỉ đồng để nạo vét nhưng chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, sản phẩm thu lại hầu như là cát bùn pha trộn với hàm lượng muối lớn phải tẩy rửa mới xây dựng san lấp.
Luồng Quan Chánh Bố đưa vào khai thác từ năm 2017 nhưng không lâu sau cũng bị bồi lắng nghiêm trọng, tàu không vào được. Hiện Bộ GTVT cũng đã đầu tư vào giai đoạn 2. Tuy nhiên, luồng Quan Chánh Bố rất hẹp, chỉ đi được một chiều, thời gian chờ để qua rất lâu, lượng container chờ giải phóng sẽ rất lớn. Do vậy, khi chính sách nạo vét luồng Định An thực hiện thì sẽ có hai luồng song song nhau, giải phóng container nhanh, thu hút nhiều tàu hàng.
Ông Dũng cho biết thời gian qua, các đơn vị cảng không đầu tư thiết bị là do không có tàu vào được. Lúc luồng Quan Chánh Bố khai thác thì Tân Cảng cũng tổ chức tàu đi nước ngoài nhưng không bao lâu luồng lại bị tắc. “Việc thực hiện song song hai luồng trên cũng là một cơ hội vàng để phát triển các cụm cảng” - ông Dũng đánh giá.
Về vấn đề này, ĐB Nguyễn Thanh Phương cho rằng Cần Thơ nên có ý kiến giải trình thêm bên cạnh giải trình của Bộ KH&ĐT. “Ngoài việc thu cát, bùn theo báo cáo thì chúng ta cần lý giải thêm việc tới đây sẽ có đường ven biển dài khoảng 700 km từ Long An đến Kiên Giang. Chúng ta có thể tìm nhà đầu tư để họ tận dụng nguồn bùn làm khu lấn biển…” - ĐB Phương gợi ý.
Cần có tiếng nói chung giữa bảy tỉnh nam sông Hậu
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường cũng đặc biệt quan tâm chính sách dự án nạo vét luồng Định An. Theo ông, cơ chế này không chỉ dành riêng cho Cần Thơ mà cho cả vùng ĐBSCL. Việc nạo vét luồng này là để khai thác 13 cảng trên sông Hậu. Để làm được dự án này thì phải giải quyết rất nhiều dự án nhỏ khác.
“Điều tôi lo nhất là làm thế nào để thể chế hóa chính sách khi QH thông qua. Tôi giao Sở GTVT làm đầu mối bàn bạc nhằm có tiếng nói chung với các tỉnh, tìm ra giải pháp để tàu vào và sử dụng các sản phẩm thu hồi lại” - chủ tịch UBND TP nói.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng ban Đô thị HĐND TP Cần Thơ, băn khoăn về việc sắp tới Cần Thơ sẽ có phương án triển khai thực hiện chính sách thế nào cho phù hợp và đáp ứng mong đợi của người dân.
Một vấn đề nữa theo ông Dũng là vừa qua, Thủ tướng đã giao cho HĐND TP quyết định việc chuyển mục đích đất trồng lúa dưới 500 ha, tăng gấp 50 lần so với trước.
“Vấn đề lớn cần đặt ra là chuyển mục đích để làm gì và chuyển thế nào? Chẳng hạn từ năm 2021 trở về trước, năm nào HĐND TP cũng có nghị quyết chuyển mục đích đất trồng lúa sang mục đích khác. Tuy nhiên, có khi làm không được, nhất là các dự án tư nhân đầu tư” - ông Dũng băn khoăn.
Phát biểu tổng kết buổi thảo luận tổ, ông Lê Quang Mạnh, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH TP Cần Thơ, đánh giá cao các ý kiến của các ĐB. Ông Mạnh cũng thống nhất quan điểm về việc thực hiện các dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ.
Theo ông Mạnh, để dự án nạo vét luồng sông Hậu khả thi, phù hợp với thực tiễn và sớm triển khai thực hiện thì cần được đầu tư bằng hình thức xã hội hóa với cơ chế ưu đãi, hỗ trợ thực sự hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư.
Vấn đề nạo vét luồng sông Hậu để duy trì luồng cho tàu vào cảng Cần Thơ đáp ứng công suất 20.000 tấn là vấn đề hết sức cấp bách nhằm giải quyết điểm nghẽn về logistics của cả vùng hiện nay. Đây là một trong những tiền đề quan trọng cho việc tăng năng lực vận tải hàng hóa, khả năng tiếp cận… nhằm tạo điều kiện cho đầu tư mở rộng Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, đáp ứng yêu cầu phát triển của vùng ĐBSCL trong tương lai theo quy hoạch vùng.
Có “trào lưu” về việc xin cơ chế đặc thù của các tỉnh Nói về việc cần có cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ trong phiên thảo luận tổ của Đoàn ĐBQH TP.HCM sáng 6-1, ĐB Trương Trọng Nghĩa cũng nhất trí. Tuy nhiên, ông nhìn nhận hiện đang có “trào lưu” xin cơ chế đặc thù của các tỉnh. Ông cho rằng nếu làm như hiện nay, sắp tới sẽ có 10-20 tỉnh kiến nghị cơ chế đặc thù bởi trong 63 tỉnh, thành thì không tỉnh nào giống tỉnh nào. Theo ông, vấn đề là ở chính sách, thể chế chung chưa hợp lý nên mới phát sinh việc này. Còn rõ ràng Hà Nội và TP.HCM là hai đô thị đặc biệt nên phải có chính sách đặc thù vì quy mô dân số, vị trí, vai trò đặc thù. “Cần Thơ là thủ phủ của miền Tây, cũng có những đặc trưng mà nếu trước mắt được tháo gỡ ngay sẽ thúc đẩy Cần Thơ phát triển” - ĐB Nghĩa nói thêm. |