Nghị định 100 kéo giảm hàng trăm vụ tai nạn giao thông

Chiều 16-1, tại buổi họp báo triển khai thực hiện Chỉ thị 03/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện luật phòng chống tác hại của rượu, bia và nghị định số 100/2019 của Chính phủ, thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), cho biết nghị định 100 có hiệu lực giúp giảm hàng trăm vụ tai nạn giao thông (TNGT).

Tại cuộc họp báo do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức một lần nữa khẳng định sẽ không có vùng cấm nếu lực lượng thực thi công vụ trên đường vi phạm. Ảnh: Hữu Tâm

Cụ thể, từ ngày 1 đến 15-1, cả nước xảy ra 322 vụ tai nạn giao thông, làm 249 người chết, 158 người bị thương. So với hai tuần trước đó, đã giảm 31 vụ (giảm 8,8%), giảm 38 người chết (giảm 13,2%), giảm 57 người bị thương (giảm 26,5%). Lực lượng chức năng đã xử phạt 6.279 người lái xe vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền hơn 21 tỉ đồng.

“Những ngày qua không có vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng liên quan rượu, bia. Trong khi dịp này những năm trước thường xảy ra những vụ lái xe uống rượu, bia tông chết nhiều người", tướng Đức nói.

Trong dịp tết và thời gian tới, theo thiếu tướng Lê Xuân Đức, lực lượng cảnh sát giao thông tiếp tục thực hiện nghiêm túc xử phạt vi phạm nồng độ cồn và các vi phạm khác, theo tinh thần không nể nang, không có vùng cấm như chỉ thị của Thủ tướng.

“Chúng ta cần phải thay đổi suy nghĩ, phải đặt niềm tin vào người thi hành công vụ. Trong hai tuần vừa qua, chúng tôi chưa nhận được phản ánh nào về tiêu cực trong lực lượng CSGT, sẽ không có vùng cấm trong xử lý với những ai làm sai…”, vị Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông khẳng định.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc say rượu bao nhiêu lâu mới có thể điều khiển xe, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Y tế cho biết nồng độ cồn trong cơ thể phụ thuộc vào cơ địa, số lượng, tần suất sử dụng của từng người, không có công thức chung.

“Hiện nay, trên thế giới chưa có bằng chứng khoa học nào khẳng định sau khi uống rượu, bia bao nhiêu thời gian thì nồng độ cồn trong máu bằng 0. Tốt nhất là không nên uống rượu, bia trước khi lái xe…”, ông Quang khuyến cáo.

Tiếp lời, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, cho rằng khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, với 1 đơn vị cồn, khoảng 2/3 lon bia, trong 1-2 giờ sẽ đào thải hết với nam giới, và 3-4 giờ với nữ giới.

“Rất khó để chúng ta tránh tuyệt đối, nhưng uống vừa phải, hạn chế, tự kiểm tra cho bản thân mình, bởi còn phụ thuộc vào điều kiện sức khỏe của mỗi người ở từng thời điểm”, ông Khuất Việt Hùng nói.

Sốc mạnh từ Nghị định 100
Sốc mạnh từ Nghị định 100
(PL)- Nghị định 100/2019 đề ra các mức phạt thích đáng để bất kỳ ai cũng cần phải thay đổi hành vi, tạo nên cú hích để giảm thiểu đáng kể những nỗi đau tột cùng từ tai nạn giao thông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm