Ngư dân quận Sơn Trà đội mưa kéo thuyền thúng lên bờ.
Khu vực biển Thọ Quang nằm dưới chân núi Sơn Trà, vốn là bến neo đậu tàu thuyền từ lâu đời của ngư dân quận Sơn Trà. Đây cũng là nơi diễn ra cảnh bán buôn hải sản rất tấp nập mỗi buổi sáng.
Từ 6 giờ sáng, ông Phạm Huy (ngụ phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) cùng vợ con của mình tất bật ra biển thu dọn ngư lưới cụ cùng rất nhiều ngư dân khác. Họ là những ngư dân dạn dày kinh nghiệm, nhất là kinh nghiệm ứng phó với bão.
“Nhiều năm rồi không có bão trực tiếp vào Đà Nẵng. Cơn bão lần này dự báo mạnh. Thuyền thúng, ngư lưới cụ là tài sản lớn của cả gia đình nên tôi ra biển sớm để chờ các lực lượng của phường hỗ trợ đưa thuyền lên bờ” – ông Huy cho hay.
Đưa thuyền thúng sang đường để tránh bão.
Theo ông Võ Đình Công, Chủ tịch UBND phường Thọ Quang, khu vực biển Thọ Quang hàng ngày có khoảng 500 tàu thuyền các loại của ngư dân quận Sơn Trà neo đậu.
Ngay sau khi có công điện của TP Đà Nẵng, phường Thọ Quang đã kêu gọi di chuyển khoảng 300 tàu thuyền loại lớn qua tránh trú bão tại Âu thuyền Thọ Quang.
“Còn gần 200 thúng máy, thúng chai, chúng tôi huy động các lực lượng công an, dân quân… ra biển từ sáng sớm để hỗ trợ ngư dân kéo lên bờ. Ngư dân tại đây rất có kinh nghiệm phòng chống bão, nhưng không vì thế mà chủ quan” – ông Công cho hay.
Ghi nhận của PV, đến 10 giờ cùng ngày, hầu hết tàu thuyền của ngư dân quận Sơn Trà đã “yên vị” ở những vị trí an toàn. Các ngư dân tiếp tục thu dọn ngư lưới cụ, hạn chế thấp nhất thiệt hại nếu có.
Mặt đường rộng được tận dụng để thuyền thúng.
Những đôi vợ chồng ngư dân tất bật thu dọn ngư lưới cụ.
Các thúng chai nhỏ được di chuyển bằng xe kéo.
Xe cẩu được người dân thuê để vận chuyển thuyền thúng loại lớn.
Khẩn trương thu lưới.
Gần 200 thúng máy, thúng chai của ngư dân "yên vị" trước bão số 5.