Nhiều người dân lo lắng trước cơn bão số 9 sắp đổ bộ vào đất liền nên ra biển lấy cát về chằng chống nhà cửa, tránh những thiệt hại do bão gây ra.
Để chủ động ứng phó với bão số 9, hạn chế thiệt hại, Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng ban Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Bình Định, yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các Sở, ban ngành, huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan chủ động tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm bốn tại chỗ.
Trước đó, chiều 26-10, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các địa phương trong tỉnh triển khai công tác ứng phó với bão số 9.
Anh Trần Văn Hòa, nhân viên một khách sạn trên đường Xuân Diệu cho biết các nhân viên của khách sạn được huy động dùng bao cát chằng chống nhà cửa, tháo dỡ các biển hiệu để phòng tránh tác hại của cơn bão sắp đổ bộ.
Trong lúc đó, nhiều biểu hiệu ở trên các tòa nhà lớn đã được tháo dỡ.
Một biển hiệu lớn ven đường Xuân Diệu cũng được lực lượng chức năng tháo dỡ trong buổi chiều 27-10.
Các công trình cũng dừng việc thi công các công trình để chống bão số 9.
Theo một nhân viên công ty cây xanh, đến khoảng 13 giờ 30 chiều cùng ngày, 80% cây xanh trên địa bàn TP Quy Nhơn đã được cắt tỉa.
Chị Huỳnh Thị Bích Hạnh, ngụ TP Quy Nhơn cho biết gia đình cũng khá lo lắng khi bão số 9 sắp đổ bộ. Để đảm bảo cho tài sản gia đình, chị Hạnh cùng người thân ra biển xúc cát về chằng chống nhà cửa.
Theo UBND tỉnh Bình Định, bão số 9 là cơn bão mạnh, di chuyển nhanh, dự kiến trưa 28-10 sẽ áp sát bờ với sức gió từ cấp 11-12, giật cấp 15.
Đây là cơn bão rất nguy hiểm, có thể ảnh hưởng trực tiếp tới tỉnh Bình Định. Dự báo từ 27 đến 29-10, trên địa bàn tỉnh có mưa lớn với lượng mưa từ 200-400 mm. Trên các sông sẽ xuất hiện một đợt lũ.
UBND tỉnh Bình Định cũng yêu cầu ban quản lý các cảng cá tổ chức sắp xếp, hướng dẫn tàu cá neo đậu tại các khu neo đậu theo quy định; rà soát hướng dẫn đảm bảo an toàn lồng bè, các khu nuôi trồng thủy sản, kiên quyết không cho người dân ở lại trên tàu, trên lồng bè, chòi canh…
Từ 26-10, UBND tỉnh Bình Định đã triển khai các phương án sơ tán dân ở vùng ven biển, triều cường, vùng ngập lụt, vùng có nguy cơ sạt lở đất; hướng dẫn nhân dân chằn chống nhà cửa, chuẩn bị lương thực, nhu yếu phẩm cần thiết, chủ động ứng phó với bão lụt; cho học sinh, sinh viên các trường nghỉ học... để ứng phó với bão.