Quân đội huy động máy bay, gần 700.000 người ứng phó bão số 8

Sáng 21-10, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai để ứng phó với bão số 8.

Thông tin tại cuộc họp, Thiếu tướng Doãn Thái Đức, Chánh văn phòng Ủy ban quốc gia về ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cho biết đã huy động lực lượng quân đội sẵn sàng ứng trực, ứng phó với bão số 8.

"Đã có hơn 678.327 lượt người với hơn 5.300 phương tiện được huy động tham gia ứng trực ứng phó với bão số 8" - Thiếu tướng Đức cho biết.

Thiếu tướng Doãn Thái Đức thông tin về công tác ứng phó với bão số 8. Ảnh: NGỌC HÀ

Cụ thể, quân khu 1 huy động hơn 237.000 lượt người với 506 phương tiện, quân khu 2 huy động gần 4.900 lượt người, quân khu 3 huy động gần 55.000 lượt người, Bộ Tư lệnh Thủ đô huy động hơn 72.000 lượt người, quân khu 4 huy động hơn 192.000 lượt người, quân khu 5 huy động gần 60.000 lượt người, quân chủng hải quân và quân chủng phòng không không quân cũng sẵn sàng nhiều tàu cứu hộ trên biển, 4 máy bay... để sẵn sàng ứng trực, cứu hộ cứu nạn, giúp đỡ người dân.

Đại diện Bộ đội biên phòng, Thiếu tướng Nguyễn Đức Mạnh cũng cho biết trong ngày hôm nay sẽ hoàn tất công tác chuẩn bị phương tiện, lực lượng để ứng phó với bão số 8.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình cho biết theo dự báo bão số 8 vào Biển Đông sẽ mạnh lên, vùng ảnh hưởng rộng, nếu không giảm thì cường độ ảnh hưởng rất rộng, trong khi các tỉnh miền Trung đang bị ảnh hưởng rất nặng, đất ngâm nước lâu ngày, độ kết dính yếu nên sạt lở rất dễ xảy ra.

Để chủ động ứng phó với cơn bão số 8, Phó Thủ tướng yêu cầu trước hết phải đảm bảo an toàn trên biển, các đơn vị liên quan, các địa phương có trách nhiệm hướng dẫn tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn. Đảm bảo an toàn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh trên biển.

Cùng với đảm bảo an toàn trên biển, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu phải đảm bảo an toàn trên đất liền. Tất cả các địa phương phải xây dựng các phương án ứng phó, trước hết là phương án sơ tán dân, đảm bảo an toàn cho người dân khi bão vào bờ. Sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, nơi nước sâu, nơi nước chảy siết, nơi nhà yếu không an toàn, nhất là khu vực miền núi, trung du.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu kiểm tra an toàn hồ đập. Đơn cử như hồ Kẻ Gỗ (hiện nay đã an toàn) mà vỡ, cộng với mực nước cao như thế thì ngập hết TP Hà Tĩnh và khu vực xung quanh, nước chảy siết sẽ cuốn trôi nhiều thứ, sẽ là thảm họa.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ TN&MT, cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia tiếp tục theo dõi diễn biến cơn bão và tình hình mưa lũ để có phương án ứng phó kịp thời. Các cơ quan truyền thông tiếp tục tuyên truyền, thông tin tới người dân kịp thời.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường trực tiếp chỉ đạo các đoàn công tác vào các vùng ảnh hưởng nặng của mưa lũ ở miền Trung để có công tác cứu hộ, cứu nạn, ứng phó mưa lũ kịp thời.

Bão số 8 cách quần đảo Hoàng Sa 560km

Vào 13 giờ chiều nay, 21-10, bão số 8 còn cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 560km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 130km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km và có khả năng mạnh thêm. Đến 13 giờ ngày 22-10, vị trí tâm bão ở khoảng 16,9 độ Vĩ Bắc; 115,6 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 340km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-115km/giờ), giật cấp 13.

Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 14,5 đến 19,0 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 113,0 đến 119,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm