Chiều 22-4, mặc dù tỉnh Quảng Nam chưa có quyết định cụ thể những dịch vụ sẽ được mở cửa trở lại nhưng nhiều cửa hàng, quán ở TP Tam Kỳ (Quảng Nam) đã hoàn tất khâu chuẩn bị để sẵn sàng phục vụ khách trở lại.
Nhân viên quán cà phê dọn dẹp chuẩn bị phục vụ khách. Ảnh: THANH NHẬT
Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, nhiều cửa hàng ăn uống, cà phê… ở TP Tam Kỳ vẫn mở cửa phục vụ khách có nhu cầu mua mang về. Nhưng do lượng khách không nhiều, nhu cầu tiêu dùng của người dân thấp, nhiều cửa hàng đành chấp nhận cắt giảm nhân viên phục vụ để giảm bớt chi phí.
Anh Nguyễn Thành Khiết (26 tuổi, TP Tam Kỳ), nhân viên pha chế một quán cà phê, cho biết gần một tháng qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên chủ quán cắt giảm nhân viên phục vụ. Công việc pha chế của anh ngày thường phải làm liên tục nhưng thời gian thực hiện giãn cách xã hội cũng phải giảm bớt một nửa.
“Mùa dịch, công việc của tôi giảm hơn một nửa, anh em phải chia nhau ra làm. Ngày nay tôi làm thì ngày mai, mốt phải nghỉ cho bạn khác làm. Thu nhập bị giảm đáng kể. Giờ này, chúng tôi chỉ mong chờ hết giãn cách xã hội, công việc kinh doanh buôn bán sẽ ổn định trở lại, giải quyết việc làm cho mọi người” - anh Khiết nói.
Các quán cà phê, dịch vụ ăn uống vệ sinh bàn ghế sau thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội. Ảnh: THANH NHẬT
Cũng trong thời điểm giãn cách xã hội, người dân hạn chế ra đường. Hầu hết các tuyến xe buýt, dịch vụ kinh doanh vận tải buộc phải dừng hoạt động.
Người dân chủ yếu ra đường bằng phương tiện cá nhân khi có việc thật sự cần thiết. Do đó, những doanh nghiệp vận tải lao đao, người lao động bám theo loại hình này cũng bị ảnh hưởng thu nhập.
Ông Nguyễn Hữu Nam (60 tuổi, ngụ phường Hòa Hương), hành nghề xe ôm, cho biết nhiều năm hành nghề xe ôm ở TP Tam Kỳ, lượng khách chủ yếu dựa vào người dân đi-về trên các tuyến xe buýt, thu nhập hằng ngày vài trăm nghìn đủ trang trải qua ngày. Nhưng kể từ ngày các tuyến xe buýt bị cấm hoạt động, những người hành nghề xe ôm như ông phải chịu cảnh thất nghiệp.
Các tuyến xe buýt dừng hoạt động, những người hành nghề xe ôm như ông Nam thất nghiệp. Ảnh: THANH NHẬT
“Từ ngày xảy ra dịch, khách đi xe ôm rất ít, đặc biệt là kể từ ngày dừng các tuyến xe buýt. Thất nghiệp ba tuần nay rồi, không có thu nhập. Mong dịch bệnh sớm ổn định, Nhà nước dần gỡ lệnh giãn cách xã hội, người dân đi lại nhiều thì những người lao động như chúng tôi mới có việc làm, có thu nhập trang trải cuộc sống” - ông Nam nói.
Ông Ông Văn Dũng (Giám đốc Công ty TNHH MTV Vận tải Phương Vy) cho hay từ ngày 1-4, tất cả các tuyến xe buýt, tuyến cố định, vận tải hợp đồng ngừng hoạt động, 200 chiếc xe các loại của doanh nghiệp buộc phải nằm bến, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sa sút gần 5 tỉ đồng. Do đó, công việc, thu nhập của cán bộ, nhân viên công ty buộc phải cắt giảm.
Xe buýt nằm bến, doanh nghiệp vận tải lao đao chờ ngày hoạt động trở lại. Ảnh: THANH NHẬT
“Mặc dù không muốn nhưng xe nằm bến, anh em tài xế, phụ xe phải nghỉ việc. Mức hỗ trợ cho anh em cũng hết sức hạn chế do toàn bộ nguồn thu của doanh nghiệp phụ thuộc hoàn toàn vào hoạt động vận tải. Hơn lúc nào hết, chúng tôi rất mong dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động kinh doanh dần ổn định để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động” - ông Dũng chia sẻ.
Người dân đã bắt đầu ra đường nhiều hơn những ngày trước. Ảnh: THANH NHẬT
Công nhân lao động tại các công trình xây dựng vẫn hoạt động bình thường, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo khoảng cách 2 m. Ảnh: THANH NHẬT
Một số cửa hàng giải trí, câu lạc bộ thể thao ở TP Tam Kỳ vẫn đóng cửa chờ quyết định của tỉnh. Ảnh: THANH NHẬT