Ngày 10-3, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM đã có buổi làm việc với Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH một thành viên (SAGRI) giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn TP.HCM, giai đoạn 2016-2021.
Muốn trả lại mặt bằng để tạo quỹ đất cho TP.HCM
Báo cáo tại buổi giám sát, đại diện SAGRI cho biết đang quản lý, sử dụng 42 mặt bằng nhà đất; trong đó SAGRI đã có văn bản trong hai năm 2020 và 2021 đề xuất bàn giao lại 18 mặt bằng không còn nhu cầu sử dụng. Đến nay, có 2/18 mặt bằng nhà đất đã có quyết định thu hồi tại khu đất trên xa lộ Hà Nội (phường An Phú, TP Thủ Đức) và khu đất trên đường Lâm Văn Bền (quận 7).
Trước vấn đề này, các ĐBQH và HĐND TP.HCM đã đặt nhiều câu hỏi về hiệu quả sử dụng của các mặt bằng nhà, vướng mắc chỗ nào mà đến nay chỉ mới có 2/18 mặt bằng được trả lại cho UBND TP. Các ĐB cho rằng sự chậm trễ này gây lãng phí bởi SAGRI không sử dụng nhưng cũng phải trả tiền thuê đất.
Giải trình vấn đề này, ông Phạm Thiết Hòa, Tổng giám đốc SAGRI, cho rằng đây không chỉ là vấn đề của đơn vị ông mà còn là vấn đề của nhiều tổng công ty ở TP. “Vì sao lại vướng? Cần phải xem lại gốc của vấn đề - đó là cơ chế” - ông Hòa chia sẻ.
Theo ông Hòa, hiện nay SAGRI không sử dụng những mặt bằng này nhưng vẫn phải nộp tiền thuê đất hằng năm rất lớn. “Đất đai quý lắm chứ. Tổng công ty có được mặt bằng mừng lắm và có những mặt bằng rất đẹp nằm ở quận 7 (khoảng 3 ha đất trống) nhưng chúng tôi phải trả lại vì có lý do” - ông Hòa nói và cho hay nguyên nhân là do quy hoạch sử dụng đất ở những khu đất này không còn phù hợp với ngành nghề kinh doanh của SAGRI.
“Các khu đất này đã quy hoạch cho các mục đích công cộng như xây trường học, cây xanh, dân cư, công viên… Vậy nông nghiệp thì làm gì đây, làm siêu thị cũng không xong” - ông Hòa lý giải nguyên nhân phải trả lại mặt bằng.
Trả lời câu hỏi của các ĐBQH về việc tại sao trong thời gian trả lại, SAGRI không sử dụng mặt bằng đó để tránh lãng phí, ông Hòa cho rằng muốn sử dụng thì phải xây dựng, sửa chữa và xin giấy phép nhưng “quy hoạch là công viên, trường học… không đúng ngành nghề kinh doanh của tổng công ty thì không thể xin giấy phép, không thể sửa chữa”.
Ngoài ra, theo ông Hòa, có những mặt bằng hợp đồng thuê đất đã hết hạn, “quá date” nên cũng không thể sử dụng được.
Nói rõ hơn về 18 mặt bằng muốn trả lại, ông Hòa cho biết ngoài hai mặt bằng đã có quyết định thu hồi thì những mặt bằng còn lại đã trình lên chủ tịch UBND TP và đang chờ Sở TN&MT TP.HCM xử lý. “TP.HCM đang thiếu đất mà chúng ta lại để đất như thế, không kinh doanh được” - ông Hòa chia sẻ và mong muốn trả lại các mặt bằng này càng sớm càng tốt để SAGRI không phải đóng tiền thuê đất và Nhà nước có thêm quỹ đất để tạo nguồn ngân sách.
Tổng giám đốc SAGRI Phạm Thiết Hòa mong muốn sớm được trả lại 16 mặt bằng mà công ty không còn sử dụng. Ảnh: TÁ LÂM
Sẽ kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho SAGRI
Tại buổi giám sát, các ĐBQH cũng cho rằng SAGRI cần triển khai các loại hình dịch vụ khoa học kỹ thuật tiên tiến phục vụ sản xuất nông nghiệp; hệ thống logistics và xây dựng các mô hình tiêu thụ nông sản sạch. Cùng với đó, cần đánh giá lại hiệu quả đầu tư tại các dự án Nhà máy sữa Củ Chi, Nhà máy gạo Long An, đánh giá thực hiện nhiệm vụ trong bảo tồn vốn và đảm bảo quyền lợi cho người lao động của tổng công ty…
Phát biểu kết luận buổi làm việc, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM, đánh giá cao SAGRI về kết quả sản xuất, kinh doanh và thực hiện pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021; đã nỗ lực thực hiện các giải pháp thu hồi tài sản của tổng công ty sử dụng không đúng mục đích trong thời gian qua.
Tuy nhiên, bà Tuyết cho rằng có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc lãng phí nguồn lực đất đai do SAGRI quản lý, trong đó có nguyên nhân do sử dụng, quản lý không tốt, có nguyên nhân xuất phát từ quy định của pháp luật khiến đất đai không sử dụng được. “Đây là một nghịch lý, vì sao tư nhân giữ được từng mét đất, còn mình lại không thể hoàn thiện được cơ sở pháp lý cho mảnh đất mình đang quản lý, sử dụng?” - bà Tuyết đặt vấn đề.
Do đó, bà đề nghị SAGRI nhận định, đánh giá nguyên nhân và kiến nghị rõ các giải pháp để khắc phục vấn đề này. “SAGRI phải đeo bám, xử lý sớm vướng mắc trong việc giao trả lại các mặt bằng nhà đất không sử dụng” - bà Tuyết nói và cho biết Đoàn ĐBQH TP.HCM sẽ kiến nghị UBND TP xem xét về cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho SAGRI.
Cần có giải pháp ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng Phát biểu tại buổi làm việc, ĐBQH Dương Ngọc Hải cho rằng thời gian qua, nhiều lãnh đạo SAGRI vi phạm pháp luật và bị xử lý kỷ luật. Đặc biệt là vi phạm tham ô tài sản; quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí đã để lại bài học rất sâu sắc. Do đó, ông Hải đề nghị SAGRI cần xây dựng kế hoạch, đề ra các giải pháp, chuyển đổi công tác cán bộ, quy hoạch đào tạo và bố trí cán bộ để bộ máy hoạt động tốt, ngăn ngừa các tiêu cực và tham nhũng xảy ra tại tổng công ty. Song song đó là xây dựng phương pháp, giải pháp trong công tác kiểm tra, giám sát tại SAGRI. |