Sao chép để nghiên cứu khoa học không phải xin phép

Ngày 21-1, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (QH) tổ chức hội thảo trực tuyến góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Phải thông tin về tác giả, nguồn gốc của tác phẩm

Trước đó, tại kỳ họp thứ hai (tháng 10-2021), QH đã cho ý kiến về dự án luật này. Sau chỉnh lý, đến nay, dự luật dự kiến sửa đổi, bổ sung 119 điều của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, tăng chín điều so với dự thảo trình QH tại kỳ họp thứ hai. Dự luật cũng đồng thời sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giá, Luật Hải quan, Luật Khoa học và công nghệ, Luật Quản lý sử dụng tài sản công.

Khi sao chép một bản của tác phẩm đã công bố với mục đích nghiên cứu
khoa học, học tập thì cá nhân phải thông tin về tên tác giả, nguồn gốc
của tác phẩm. Ảnh minh họa: NGUYỆT NHI

Một trong những quy định được thảo luận liên quan đến điểm a khoản 1 Điều 25 dự thảo luật. Cụ thể, điều luật này quy định các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền bản quyền nhưng phải thông tin về tên tác giả, nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm. Bao gồm tự sao chép một bản để nghiên cứu khoa học, học tập của cá nhân và không nhằm mục đích thương mại.

Quy định nói trên không áp dụng trong trường hợp sao chép bằng thiết bị sao chép công cộng.

PGS-TS Lê Thị Nam Giang, Giám đốc Trung tâm Sở hữu trí tuệ Trường ĐH Luật TP.HCM, cho rằng quy định này nhằm kiểm soát việc tạo ra nhiều bản sao từ các phương tiện sao chép công cộng, đặc biệt từ các dịch vụ photocopy. Đây có thể là một trong những cách thức để kiểm soát việc tuân thủ pháp luật sở hữu trí tuệ tại các cơ sở photocopy.

Tuy nhiên, bà Giang cho rằng quy định này chưa thực sự phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam và chưa thực sự hướng đến lợi ích của công chúng trong mục đích phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu. Điều luật nói trên sẽ hạn chế quyền của người học và các nhà nghiên cứu khi thực hiện quyền sao chép tác phẩm.

Tại Việt Nam, ngay tại thư viện trong các trường học cũng chưa cung cấp dịch vụ cho người sử dụng tự đứng máy photocopy tác phẩm. Chưa kể việc kiểm soát bản sao tác phẩm được sử dụng trên thực tế là “tự sao chép” hay được sao chép bởi dịch vụ có thể gặp khó khăn. Ngoài ra, chúng ta cũng chưa kiểm soát cũng như thực hiện nghiêm các biện pháp chế tài đối với cơ sở photocopy vi phạm pháp luật quyền tác giả.

Lo ngại quy định này khó có thể áp dụng hiệu quả trên thực tế, bà Giang đề xuất sửa đổi quy định nói trên theo hướng: “Sao chép hợp lý một phần tác phẩm cho mục đích học tập cá nhân và không nhằm mục đích thương mại. Sao chép một bản để nghiên cứu”.

Cùng với việc hoàn thiện dự thảo luật, bà Giang cũng khuyến nghị cần phối hợp thực hiện các biện pháp như quản lý chặt chẽ các cơ sở photocopy, nâng cao nhận thức và ý thức công chúng về quyền tác giả… nhằm tạo điều kiện cho việc thực thi quy định về các ngoại lệ quyền tác giả này.

Bổ sung quy định về người thừa kế

Trong khi đó, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Tổng giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, phản ánh thực trạng vi phạm quyền tác giả và quyền liên quan đã đặt ra những yêu cầu cấp bách trong công tác xây dựng pháp luật bảo hộ quyền tác giả. Điều này nhằm khắc phục những khó khăn, tồn đọng trong thực tiễn, ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền tác giả, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả trong nước và nước ngoài, tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Ông Cẩn đề xuất bổ sung quy định cho phép tác giả có quyền từ bỏ một, một số hoặc toàn bộ các quyền nhân thân của mình. Việc bổ sung quy định này không chỉ cho tác giả thêm quyền tự do lựa chọn giới hạn/không giới hạn quyền của mình, đồng thời giúp tác giả có thêm công cụ để đàm phán mức giá trị cao hơn trong việc chuyển giao quyền tác giả cũng như cho phép chủ sở hữu quyền tác giả được tự do hơn trong việc khai thác tác phẩm.

Ngoài ra, ông Cẩn cũng đề xuất bổ sung quy định về người thừa kế, người được ủy quyền, chuyển giao quyền nhân thân có toàn quyền quyết định sau khi tác giả mất, tránh trường hợp không xác định được người cần xin phép khi cần sử dụng quyền.•

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm