Chiều 25-11, thông tin phản ảnh từ người dân, rác thải y tế tại 2 Bệnh viện dã chiến lớn nhất tỉnh, Bệnh viện số 3 và Bệnh viện số 5 bắt đầu ùn ứ vì không có ai thu gom xử lý.
Rác thải y tế trong Bệnh viện giả chiến số 3, TP. Cà Mau sau 3 ngày không được thu gom. Ảnh: TRẦN VŨ
Phóng viên PLO đã đến 2 bệnh viện này và chứng kiến rất nhiều rác thải y tế chất thành đống cao.
Trả lời các câu hỏi của phóng viên PLO, ông Trần Hiền Khoá, Giám đốc Bệnh viện dã chiến số 3 (phường 7, TP. Cà Mau) cho hay 3 ngày qua không còn đơn vị nào thu gom xử lý. Ông đã báo cáo việc này với cấp trên.
Tương tự, lãnh đạo Bệnh viện dã chiến số 5, ở khu Cửu Long, phường 5, TP. Cà Mau cũng xác nhận tình trạng rác thải y tế không còn đơn vị nào thu gom xử lý trong mấy ngày qua và lãnh đạo ở đây cũng đã báo cáo cấp trên.
Trao đổi qua điện thoại về tình trạng này, ông Nguyễn Đức Thánh, Chánh văn phòng UBND tỉnh Cà Mau cho biết tỉnh đang xúc tiến các công việc để xử lý số rác thải y tế trên. Tuy nhiên, ông Thánh cũng chưa xác định được khi nào sẽ có đơn vị thu gom xử lý.
Từ khi dịch COVID19 bùng phát, các khu cách ly tập trung, các bệnh viện dã chiến được lập ra, rác thải y tế tăng đột biến.
Thời gian qua, Bệnh viện đa khoa Cà Mau thu gom xử lý ở các Bệnh viện dã chiến, nhưng đến nay cũng ngưng thu gom. Còn Nhà máy rác thải thành phố Cà Mau thu gom xử lý ở các khu cách ly tập trung.
Chiều cùng ngày, trao đổi qua điện thoại, bác sĩ Bùi Đức Văn, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Cà Mau cho hay hiện đang còn tồn khoảng 5, 6 tấn rác thải y tế của Bệnh viện này. Lò đốt đang xử lý ngày đêm.
"Từ ngày 22-11-2021, chúng tôi không còn thu gom xử lý rác thải cho các Bệnh viện dã chiến nữa. Do tỉnh đã giao cho Nhà máy rác làm. Chúng tôi hiện đang cố gắng xử lý rác thải tồn đọng của Bệnh viện mình"- ông Bùi Đức Văn nói.
Rác thải y tế trong khung viên Bệnh viện giả chiến số 5, phường 5, TP. Cà Mau. Ảnh: TRẦN VŨ
Ông Nguyễn Đức Thánh, Chánh văn phòng UBND tỉnh Cà Mau cũng cho hay, dự kiến giao cho Nhà máy rác thải TP. Cà Mau thu gom xử lý nhưng chưa thống nhất các điều kiện hợp đồng nên đơn vị này cũng chưa chấp nhận thu gom xử lý.
"Trước mắt chúng tôi chỉ đạo sửa chữa lò xử lý rác thải của Bệnh viện sản nhi Cà Mau, để sớm đưa vào xử lý. Đồng thời, các Sở ngành cũng đang xúc tiến xem xét các điều kiện hợp đồng với Nhà máy rác thải thành phố Cà Mau" - ông Thánh nói.
Trong khi đó, ông Tô Hoài Dân, Chủ nhà máy rác thải thành phố Cà Mau khẳng định chỉ khi rõ ràng về pháp lý ông mới thu gom xử lý rác thải y tế. Yêu cầu ông Tô Hoài Dân đưa ra trong nhiều lần đàm phán hợp đồng gần đây là phải được hợp đồng từ 5 năm trở lên thì ông mới dám nhận.
"Vì để xử lý rác thải y tế, chúng tôi phải đầu tư thêm công nghệ mới để đảm bảo an toàn dịch bệnh. Phải có thời gian hợp đồng từ 5 năm trở lên chúng tôi mới thu hồi được vốn đầu tư"- ông Dân nói.
Xem ra, khả năng ùn ứ, ô nhiễm rác thải y tế tại các Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 ở khu vực TP. Cà Mau sẽ rất phức tạp trong những ngày tới.