Thời tiết cực đoan: Nghèo thì phải chịu khổ?

(PLO)- Các hiện tượng thời tiết cực đoan khiến người nghèo và các quốc gia có thu nhập trung bình thấp gặp nhiều thách thức.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Những hiện tượng thời tiết cực đoan thời gian gần đây là minh chứng rõ ràng cho thấy biến đổi khí hậu đang rất khó lường.

Dưới tác động của biến đổi khí hậu, người nghèo - vốn đã yếu thế - nay phải đối mặt với nhiều thách thức hơn về điều kiện sống và làm việc. Ở cấp độ toàn cầu, các nghiên cứu gần đây chỉ ra biến đổi khí hậu tác động lớn hơn đến các nước thu nhập trung bình thấp so với các nước phát triển.

Đối mặt với nguy hiểm tính mạng

Nắng nóng và mưa lớn thất thường tại nhiều khu vực tác động mạnh đến nhóm người lao động ngoài trời và người dễ bị tổn thương trong xã hội.

Người lao động làm việc dưới mức nhiệt hơn 45 độ C ở Thái Lan hồi tháng 4-2023. Ảnh: GETTY IMAGES

Người lao động làm việc dưới mức nhiệt hơn 45 độ C ở Thái Lan hồi tháng 4-2023.
Ảnh: GETTY IMAGES

Khi sóng nhiệt hoành hành ở nhiều khu vực, người giàu tránh nóng bằng những chuyến du lịch dài ngày hoặc ở trong những ngôi nhà tiện nghi với máy điều hòa không khí. Trong khi đó, người nghèo vẫn phải mưu sinh giữa thời tiết khắc nghiệt.

Ngay tại Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới, lao động phổ thông vẫn phải làm việc dưới thời tiết nóng như thiêu đốt. Cô Silvia Moreno Ayala (41 tuổi) làm công cho các nông trại ở bang California. Để làm việc dưới thời tiết nắng nóng thời điểm tháng 7, cô phải mặc đồ bảo hộ lao động kín mít từ đầu đến chân, bôi kem chống nắng. Buổi sáng được cho là thời điểm mát mẻ nhất trong ngày nhưng mồ hôi đã túa ra trong đôi ủng cao su cô mang.

Làm việc dưới thời tiết nắng nóng khiến cô thường xuyên phải chịu những cơn đau đầu, buồn nôn, chuột rút, chóng mặt. Cô chỉ biết bù nước và mong mình đủ sức khỏe đến khi kết thúc ngày làm việc.

Cô Ayala nói với tạp chí Time rằng “tôi biết những người làm trên ruộng dưa hấu và bị sốc nhiệt đến mức phải nhập viện”. Bác sĩ cảnh báo ngày nào đó cô cũng có thể phải chịu tình cảnh như vậy vì sau nhiều năm làm việc dưới thời tiết nắng nóng thì thận của cô đã tổn thương và có thể không chịu nổi nếu cứ gắng sức làm việc.

Tháng 8-2022, trận mưa lũ lịch sử ở thủ đô Seoul (Hàn Quốc) khiến một gia đình ba người sống trong nhà bán hầm thiệt mạng. Nước lũ tràn nhanh vào khu nhà bán hầm khiến các nạn nhân không kịp thoát thân. Sự việc tô đậm mối hiểm nguy mà người nghèo phải đối mặt khi thời tiết khắc nghiệt xảy ra, ngay tại một trong những đô thị phát triển bậc nhất châu Á như Seoul.

Sau sự việc này nhà chức trách Seoul lên kế hoạch loại bỏ nhà bán hầm. Tuy nhiên, theo tờ The Dong-a Ilbo, tính đến tháng 8 năm nay, chỉ khoảng 2.300 hộ gia đình có thể di dời khỏi các căn nhà bán hầm nhờ các chính sách hỗ trợ của chính quyền. Con số này chỉ chiếm 1,1% tổng số hộ gia đình sống trong các nhà bán hầm ở Seoul.

Mùa mưa lũ ở Hàn Quốc đã bắt đầu và The Dong-a Ilbo nhận định rất có khả năng hầu hết cư dân trong những căn nhà bán hầm sẽ tiếp tục sống trong điều kiện tương tự như năm ngoái. Điều này đồng nghĩa với việc họ có thể đối mặt với nguy hiểm về tính mạng nếu nước lũ đột ngột tràn về.

Hiện tượng El Niño đã quay trở lại và được dự đoán sẽ có tác động sâu sắc đến thời tiết các khu vực ven Thái Bình Dương. Hãng tin AP nhận định thời tiết ấm hơn, khô hơn do El Niño sẽ cản trở sản xuất lúa gạo trên khắp châu Á, ảnh hưởng đến an ninh lương thực toàn cầu và tác động đến sinh kế của nông dân.

“Các cộng đồng dễ bị tổn thương nhất không may phải gánh chịu gánh nặng của thời tiết, khí hậu” - Giám đốc Tổ chức Khí tượng Thế giới Petteri Taalas.

Nghịch lý giàu làm nghèo chịu

Theo tổ chức Trung tâm Phát triển toàn cầu (Mỹ), 79% lượng khí thải carbon toàn cầu - một trong những nguyên nhân chính dẫn đến biến đổi khí hậu do các quốc gia phát triển thải ra. Tuy nhiên, khi thời tiết cực đoan xảy ra, các nước có thu nhập trung bình thấp lại chịu tổn hại nhiều nhất.

Báo cáo tháng 5 của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết có tới 11.778 thảm họa liên quan đến thời tiết từ năm 1970 đến 2021, làm 2 triệu người chết và gây thiệt hại 4.300 tỉ USD. Hơn 90% số người chết ở các nước đang phát triển.

Các nghiên cứu ước tính rằng từ đây đến năm 2030, tổn thất kinh tế do biến đổi khí hậu ở các nước đang phát triển dao động 290-580 tỉ USD. Con số này có thể tiếp tục leo thang trong tương lai.

Trang The Conversation dẫn một nghiên cứu cho thấy vào những năm 2060, những khu vực nghèo nhất thế giới khả năng phải hứng chịu sóng nhiệt cao gấp 2-5 lần so với các nước giàu hơn.

Một thực tế dù là bên phải chịu gánh nặng của thời tiết cực đoan nhưng các nước nghèo không có nhiều năng lực chống biến đổi khí hậu, vì không có tiền. Các nước thu nhập trung bình đang chật vật cung cấp các dịch vụ cơ bản cho người dân, gặp nhiều khó khăn trong đầu tư công nghệ và các biện pháp hiện đại để chống biến đổi khí hậu.•

Hỗ trợ nước giàu sang nước nghèo có khả quan

Theo lời hứa của các nước phát triển vào năm 2009, từ năm 2020, các nước đang phát triển sẽ được nhận tổng cộng 100 tỉ USD mỗi năm để giúp các nước này thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu và cắt giảm lượng khí thải nhà kính.

Tuy nhiên, theo tờ The Guardian, cam kết đó chưa được thực hiện đầy đủ. Năm 2020, con số này chỉ 11,5 tỉ USD. Năm 2021 là 83 tỉ USD.

Các ước tính cho thấy trong năm 2023, mục tiêu 100 tỉ USD nói trên sẽ đạt được. Tuy nhiên, Tổ chức phi lợi nhuận Oxfam (có trụ sở tại Anh) cho rằng các phép tính đã phóng đại số tiền, vì đã tính luôn các khoản viện trợ dành cho y tế, giáo dục. Mà dù con số 100 tỉ USD có đạt được thực chất thì theo Oxfam vẫn chưa thích đáng khi tỉ lệ thảm họa liên quan đến biến đổi khí hậu ngày càng tăng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm