Quan tốt thì nước yên, dân an, bằng ngược lại quan xấu thì dân khổ, nước loạn. Nhưng điểm hết các thời thì thời nào trong đội ngũ quan viên cũng song hành quan tốt, quan xấu cả chứ chẳng hoàn toàn một phía.
Với những kẻ làm quan chăm dân mà là quan xấu, tham ô nhũng lạm ưa đường bòn rút, bóc lột hay trị dân khắc nghiệt thì dẫu thân đã vùi sâu dưới ba tấc đất thì tòa án công luận, đánh giá của thế gian vẫn không thôi. Chẳng để điều này là nói chơi, cứ xem qua dăm gương xấu dưới đây hẳn rõ.
Đến tôn thất cũng là gương xấu
Tỉ như thời Trần (1226-1400) có trường hợp Hồ Tông Thốc làm An phủ sứ tham nhũng tài sản của dân đến nỗi tội trạng bị phát giác mà sử cũ đề cập vào năm Bính Dần (1386).
Đại Việt sử ký toàn thư (Ngô Sĩ Liên và các sử quan nhà Lê) cho hay cái tư tưởng hưởng lợi từ chức tước, vị thế hiện rõ ở Hồ Tông Thốc khi y trần tình với vua Trần Nghệ Tông về lý do mình tham ô rằng: “Một con chịu ơn vua, cả nhà ăn lộc trời”. Sự giãi bày ấy nay vẫn còn thấy bóng dáng trong câu ngạn ngữ “Một người làm quan, cả họ được nhờ” của dân Việt ta.
Tranh minh họa võ tướng lắm tài nhiều tật Trần Khánh Dư.
Trong chuyên luận nhà Lê sơ (1428-1527) với công cuộc chống nạn “sâu dân, mọt nước” (Trần Đình Ba) điều này còn được nhìn thấy qua lăng kính của một tôn thất nhà Trần là Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư, người có tiếng là tham lam, từng bị dân kiện năm Bính Thân (1296). Khi sự việc đưa lên vua Trần Anh Tông xem xét, Trần Khánh Dư đã ngạo mạn mà trả lời rằng: “Tướng là chim ưng, dân lính là vịt, dùng vịt để nuôi chim ưng thì có gì là lạ”.
Tư tưởng xem dân là máu mỡ để bòn rút ấy của Nhân Huệ vương gây tiếng xấu không chỉ khiến dân ghét, mà người phương Bắc còn hay nên mới có câu nhận xét được Toàn thư ghi lại là “Vân Đồn kê khuyển diệc giai kinh” (Vân Đồn gà chó thảy đều kinh), ý câu ấy “là nói thác sợ phục uy danh của Khánh Dư mà thực là châm biếm ngầm ông ta. Khánh Dư tính tham lam, những nơi ông ta trấn nhậm, mọi người đều rất ghét”.
Quan to không dễ gây tiếng tốt
Nhà Lê sơ tiếng là thịnh trị nhưng đâu phải đã loại trừ hết được những viên quan xấu.
Như đầu thời Lê sơ có trường hợp của Thái úy Lê Thụ, được “Người xưa bài trừ tệ sách nhiễu dân” (Trần Đình Ba, tạp chí Luật sư Việt Nam, số 10 (56)-2018) kể lại.
Theo đó năm Mậu Thìn (1448), thời vua Lê Nhân Tông, chị cả của vua là Vệ Quốc trưởng công chúa được gả cho Lê Quát, con trai Lê Thụ. Nhân Thái úy quyền cao chức trọng có con trai làm đám cưới, bọn xiểm nịnh, mưu cầu danh lợi muốn dự phần lợi lộc.
Việt sử cương mục tiết yếu (Đặng Xuân Bảng) chép: “Thụ sửa sính lễ, bọn chạy chọt đua chen tranh nhau đem lễ vật mừng. Thụ lại nhờ các trấn, lộ lo tìm trâu, dê, họ đều lấy những thứ vơ vét bòn rút được, biện lễ bợ đỡ nịnh nọt”.
Thế là như Đại Việt sử ký toàn thư cho biết lễ vật bọn cầu cạnh cúng tiến cho Thụ được vơ vét trong nhân gian đến nỗi “gấm thêu, lĩnh là, vóc lụa bán ở ngoài phố đều vì vậy mà hết nhẵn cả” khiến dân tình bức xúc. Sau này việc đến tai vua, Lê Thụ nhận tội nhưng những đồ biếu vẫn nhận cả.
Tranh minh họa Nguyễn Trãi chỉ trích Lê Cảnh Xước và Nguyễn Thúc Huệ.
Cũng ở thời Lê sơ có nội mật viện Nguyễn Thúc Huệ và học sĩ Lê Cảnh Xước bị Nguyễn Trãi chửi thẳng trước triều đình “Bọn các ngươi là hạng bề tôi vơ vét, nạn hạn hán này là do các ngươi gây nên cả” vì chỉ chăm chăm lo vơ vét thuế má để được thăng quan tiến chức.
Sau này ở thời Lê Trung hưng (1533-1789), Lịch triều tạp kỷ (Ngô Cao Lãng) còn ghi trường hợp của tể tướng Lê Hy. Thân làm tể tướng trong nước, là quan đầu triều nhưng Lê Hy không nêu được đức tốt cho quan chức dưới quyền, ông từng gửi gắm con mình là thí sinh với viên quan giữ việc chấm thi hoặc ghen ghét với người có tài hơn mình như Nguyễn Quán Nho, Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Quốc sử quán nhà Nguyễn) còn cho hay Lê Hy là người hay nghi ngờ và giảo quyệt khiến nhiều người không ưa. Tiếng xấu của quan tể tướng họ Lê còn được truyền tụng thành câu ngạn ngữ: “Tham tụng Lê Hy, thiên hạ sầu bi”.
Dạo nhà Nguyễn giữ ngôi trị nước, cũng không hiếm trường hợp quan kém đức. Chẳng hạn Quốc sử di biên (Phan Thúc Trực) cho hay nhằm năm Quý Mão (1819) đời vua Gia Long, ở châu Vạn Ninh, Quảng Yên phần nhiều ruộng đồng bỏ hoang. Quan tham hiệp nơi này “ép người dân phải khai nhận làm ruộng nộp thuế để yêu sách lấy tiền bạc có đến mấy nghìn”. Dân vì bị áp chế, bóc lột quá đáng nên khiếu kiện lên quan trên. Sau đó tham hiệp bị xử tử.
Vài trường hợp nêu trên đến đời nay ta đều biết qua ghi chép của sử cũ, sự định luận của hậu thế thì luôn nghiêm khắc với những kẻ chăm dân mà có lỗi lầm. Bởi vậy làm quan, gây tiếng tốt đâu có dễ mà tạo tiếng xấu thì chẳng mấy hồi.