Kể về những gương quan tốt ấy, điểm trong sử sách thật nhiều vô kể. Họ có thể là quan Nguyễn Mại thời Hậu Lê cai trị khiến giặc cướp im hơi, hay là Ngô Tuấn Kiệt dẫu làm quan nhưng sống bần hàn, khổ hạnh… Và nhiều, nhiều nữa những gương quan tốt.
Đạo đức người làm quan
Dạo xưa, cứ lấy mốc nhà Lý mở nền Nho học làm chuẩn, Nho học góp phần đào tạo nhân tài làm quan rất nhiều. Cũng vì thế mà cái đức độ của kẻ làm quan cũng được đề cập tới.
Có thể lấy Minh tâm bảo giám (Nguyễn Trác, Lê Phục Thiện dịch) mà dẫn chứng ra một vài lời răn. Theo đó kẻ làm quan nếu ngay thẳng thì “chẳng cần ra lệnh, dân cũng làm theo”; làm việc công thì căn cốt phải giữ được ba điều là thanh liêm, cẩn thận và siêng năng:
Phép làm việc nước xưa nay,
Thanh liêm, cẩn thận lại hay chuyên cần.
Ba điều biết rõ xa gần,
Đó là biết lẽ giữ thân vẹn toàn.
Người xưa tùy thời đã đưa ra những tiêu chuẩn, phẩm chất cần có của một người làm quan tốt.
Nguyễn Trãi một lòng vì dân. Ảnh tư liệu
Sách Sĩ hoạn châm quy (Giang Hoàng Hi Điểm Tề tiên sinh) khi đề cập tới người làm quan, đã chú ý tới việc trước hết phải “tu thân”. Tiếp đó là những điều nên, chẳng hạn là sự công bằng chính trực, phải liêm khiết để xóa bỏ tệ nạn, biết ngăn chặn kẻ quyền thế làm bậy, biết khuyến khích dân làm nông tang…
Trong những đức cần có, thì thanh liêm là quan trọng nhất “Trong sáu kế thì liêm đứng đầu, trong ba điều thì thanh cũng là đầu tiên”.
Trong khi ấy trong Kiến văn tiểu lục (Lê Quý Đôn) dẫu không trực tiếp bàn đến phẩm chất quan lại, nhưng nói đến “bậc cao sĩ” cũng đáng để chú ý khi có những đức tốt liên quan đến kẻ đầu đội mũ cánh chuồn, chân đi hia. Cụ thể là “Đi theo về đường nhân nghĩa, giữ vững lấy nền đạo đức, lợi lộc không thể dỗ dành được, uy thế không thể hà hiếp được, phàm vật trong thiên hạ không cái gì chuyển động được lòng”.
Nói dông dài vậy để thấy, làm được quan tốt, ngoài tài năng không thiếu phẩm hạnh được, mà ở đây chính là sự thanh liêm, biết lo cho dân no ấm, an vui, chẳng khác lời Gia huấn diễn ca (Khuyết danh) có đề cập:
Thanh liêm dường thể nước trong,
Lại thêm cẩn thận ngõ phòng lúc sai.
… Lo cho quốc thái dân khương,
Mưa xuân tưới khắp theo đường xe đi.
Trải các đời trong lịch sử nước Việt ta trước đây, thật không thiếu những gương làm quan tốt được dân nhớ ơn sâu dày mà ghi tạc mãi nơi sử xanh, đúng như câu dân gian đã dạy:
Thương dân dân lập đền thờ,
Hại dân dân đái ngập mồ thối xương.
Quan như cha mẹ, thiên hạ âu ca
Hãy xem như thời Lý, có ông Thái úy Tô Hiến Thành được mệnh danh là “Gia Cát Lượng” nước Nam.
Ông thân phò vua giúp nước, đến khi đau ốm được Tham tri Vũ Tán Đường chăm sóc nhưng khi được hỏi ai có thể thay vị trí ông lỡ một mai ông mất, quan họ Tô đã tiến cử Giám nghị Trần Trung Tá có tài năng chứ không vì tình riêng mà cử họ Vũ. Việc ấy Ngự chế Việt sử tổng vịnh (Tự Đức) còn ghi.
Hay như thời Trần, Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Quốc sử quán nhà Nguyễn) còn ghi, Trần Thủ Độ thân làm Thái sư, quyền lực thực tế còn hơn cả vua.
Vị trí của ông cho ai làm quan là việc nhẹ nhàng, nhưng ông coi xã tắc làm trọng, sự nghiệp dòng họ trên hết lợi ích bản thân.
Bởi vậy mới có việc ông chỉ ưng thuận cho người thân của vợ làm câu đương, một chức quan nhỏ khi xin ông với điều kiện phải chặt ngón chân cái. Đó thực ra là sự răn đe kẻ dựa thân thích mà cầu cạnh.
Sau này vua Trần phong anh của ông chức cao, ông xin vua cho nghỉ vì không muốn một nhà hai anh em cùng quyền cao dễ gây lấn quyền.
Dù đời sau chê trách ông ở việc đối xử với nhà Lý, ở việc dùng nhiều thủ đoạn để giữ ngai vàng nhà Trần. Nhưng nếu xét ở việc làm quan không để việc tư xen việc công, thì ông xứng đáng là một tấm gương vì việc công bỏ lợi tư lắm.
Tả quân Lê Văn Duyệt được dân nhớ ơn sâu. Ảnh: Tư liệu
Cũng ở thời này, tấm gương sống thanh liêm, không sợ cường quyền, sẵn sàng vạch rõ kẻ tham tàn với vua của Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An đáng làm mô phạm cho đương thời và hậu thế. Nên việc ông được phối thờ trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám đến nay không hẳn là vô lý.
Vẫn thời Trần, gương quan Thiều Thốn người Thanh Hóa là một tiêu biểu cho vị quan tốt được dân yêu.
Nam quốc vĩ nhân truyện (Khuyết danh) cho hay khi ông làm quan Phòng ngự sứ ở Lạng Giang, khéo cai trị, vỗ về quân sĩ nên quân lính rất tín nhiệm. Nhưng vì em ông tính kiêu căng làm ông bị liên đới mất chức.
Khi biết việc ấy, quân lính mới có lời ca buồn “Thiên hạ bất tri oan, Thiều công thất quan” (Trời chẳng biết nỗi oan, ông Thiều mất quan).
Đến khi ông sắp rời nhiệm sở, quân lính lại hát “Thiều công chi quy, sử ngã tâm bi” (Ông Thiều phải về, lòng ta tái tê). Việc ấy đến tai triều đình, biết ông được tin yêu nên liền khôi phục chức vị cho ông. Lính biết tin vui mừng lại hát “Thiên tri kỳ oan, Thiều công đắc quan” (Trời đã biết oan, ông Thiều lại làm quan).
Dạo nước ta trong thời Hậu Lê, quan Nguyễn Trãi khi được giao làm nhạc, đã có lời với vua Lê: “Xin bệ hạ yêu nuôi muôn dân, để chốn xóm thôn không còn tiếng oán hận buồn than, như thế mới không mất cái gốc của nhạc”.
Lời ấy xuất phát từ tấm lòng thương dân của ông, coi sự no ấm của muôn dân chính là khúc âu ca đẹp nhất. Bởi vậy dẫu hậu vận ông bị oan khuất, nhưng đời sau con cháu vẫn được lục dụng, thơ văn được tìm lại, dân gian thờ ông.
Rồi như dạo chúa Nguyễn trị đất Đàng Trong, có gương quan Nội tán Nguyễn Khoa Đăng giúp dân trừ giặc cướp, trộm vặt nơi truông nhà Hồ, phá Tam Giang còn được ghi lại nơi Đại Nam liệt truyện (Quốc sử quán nhà Nguyễn) để đến nay còn truyền câu ca dân nhớ ơn ông:
Thương em anh cũng muốn vô
Sợ truông nhà Hồ sợ phá Tam Giang.
Phá Tam Giang ngày rày đã cạn,
Truông nhà Hồ nội tán cấm nghiêm.
Thật gương quan tốt dân yêu chẳng đời nào thiếu cả. Đến như nay nơi đất Sài Gòn, Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt làm quan nhà Nguyễn vẫn nghi ngút khói hương cũng là một minh chứng cho sự tin yêu, mến phục của dân đối với người làm quan chăm lo cho sự no ấm, yên ổn của dân tình vậy.
Những vị quan tốt ấy, hẳn đều hiểu được câu “Đẩy thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân” vậy. Và khi đã làm được vị quan tốt, được dân tin yêu, thì như Gia huấn diễn ca có lời:
Ví như rồng giúp trời mưa,
Muôn dân đều đội ơn thừa xiết đâu.