Hai ngày qua, mạng xã hội lan truyền nhiều hình ảnh xúc động về các cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn 316 (Quân khu 2) tham gia tìm kiếm nạn nhân vụ sạt lở tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai.
Điều đặc biệt là khi các sĩ chiến hoàn thành nhiệm vụ, hành quân trở về đơn vị, họ được dân Làng Nủ lưu luyến chia tay trong nước mắt. Hình ảnh xúc động trên khiến cộng đồng mạng dành nhiều lời khen cho các chiến sĩ.
Tài khoản Facebook Tuyết Khuê chia sẻ: "Cảm động quá, tình cảm dân và quân! Các chiến sĩ đi dân nhớ, ở dân thương. Tình dân quân như cá với nước. Chúc các chiến sĩ nhiều sức khỏe, may mắn trong sự nghiệp".
Tài khoản Facebook Phạm Thị Nga bình luận: "Mình xem clip, hình ảnh của các chiến sĩ bộ đội cũng rơi nước mắt, chúc các chiến sĩ mạnh khỏe, chân cứng đá mềm, mong người dân vùng lũ mạnh khỏe, chóng ổn định cuộc sống".
Tài khoản Facebook Nguyễn Thắm thì trải lòng: Tôi ở Nghệ An, nhìn thấy cảnh bà con Làng Nủ chia tay chiến sĩ bộ đội mà nghẹn ngào. Tôi xin chia sẻ sự mất mát của bà con Làng Nủ nói riêng và nhân dân các tỉnh phía bắc nói chung, mong sớm khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống.
"Thương các chiến sĩ, thương cho người dân thôn Làng Nủ. Các chiến sĩ đi rồi, để lại bao kỉ niệm sâu sắc cho người dân thôn Làng Nủ, sao mà quên được những hình ảnh thân thương này. Chúc cho các chiến sĩ về đơn vị nhận nhiệm vụ mới thật nhiều sức khỏe và cũng xin chúc cho người dân thôn Làng Nủ cố gắng vượt qua nổi đau mất mát quá lớn này", Tài khoản Facebook Lương Thi chia sẻ đầy xúc động.
Một hình ảnh khiến cộng đồng mạng không kiềm được cảm xúc là câu chuyện Anh Hoàng Văn Thới (32 tuổi), người sống sót duy nhất trong gia đình 6 người tại Làng Nủ. Hôm nay anh đã khóc nức nở khi chia tay các chú bộ đội, có lẽ kể từ khi thiên tai xảy ra, bây giờ anh Thới mới khóc được.
Trận lũ quét rạng sáng 10-9-2024 khiến 33 hộ dân ở Làng Nủ bị vùi lấp, 40 gia đình bị ảnh hưởng, 55 người chết, 12 người mất tích, 14 người bị thương, 87 người an toàn.
Làng Nủ nằm gần chân núi Voi là nơi có 167 hộ với 760 đồng bào người Tày sinh sống nhiều đời. Cư dân chủ yếu làm nông, một năm hai vụ lúa, ngô, sắn.