Không quá nhiều kỳ vọng khi ban hành ngoài quan điểm đã được xác định rõ: tạo ra một hành lang pháp lý rất cơ bản giúp người tham gia hoạt động blog hiểu được trách nhiệm của bản thân, từ đó ý thức được mình cần phải làm gì... khi tham gia vào hoạt động blog, sau 6 tháng chính thức có hiệu lực, có thể nói, Thông tư số 07/2008/TT-BTTTT về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet (gọi tắt là blog) đã đạt được những hiệu quả nhất định.
Theo Cục trưởng Cục quản lý phát thanh truyền hình và trang thông tin điện tử Lưu Vũ Hải, dù không mang nặng tính pháp lý, bắt buộc, song ít nhất, Thông tư về quản lý Blog ra đời đã giúp cho những người sử dụng blog qua đó biết cần phải sử dụng blog như thế nào đúng quy định của pháp luật. Thông tư không nhằm mục đích ngăn cản hay hạn chế người sử dụng mà thực sự nhằm mục đích khuyến khích sử dụng lành mạnh, có lợi cho cộng đồng.
Về cơ bản, đa số những người dùng blog là người không cố ý làm sai, chỉ có điều có thể là người ta chưa tiếp cận được văn bản, chưa hiểu cụ thể về ranh giới đúng sai. Vì vậy thông tư về Blog đã giúp cho người ta hiểu điều đó. Và giải quyết được đa số những người chưa rõ như vậy thì về cơ bản, thông tư đã đạt được mục đích ban đầu đề ra.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, sau 6 tháng ban hành, Thông tư cũng bộc lộ một số hạn chế cần sửa đổi liên quan đến một số khái niệm và các vấn đề khả thi về mặt kỹ thuật.
“Vấn đề này tiếp tục sẽ có suy nghĩ làm sao để điều chỉnh hợp lý hơn. Nhưng cũng phải nhắc lại, Thông tư blog điều chỉnh đến cả cộng đồng mạng, có những khi những biện pháp hành chính hay kỹ thuật cụ thể lại không phải là tối ưu. Biện pháp giáo dục, định hướng mới là biện pháp đem lại hiệu quả lâu dài” - ông Hải nói.
Sau những vụ việc “lùm xùm” liên quan tới thông tin trên blog, thời gian qua, hoạt động của cộng đồng blog dường như đã êm ả hơn. Các blogger Việt đã thực sự có trách nhiệm hơn với những thông tin được đưa lên trên blog của mình. Điều này cũng có nghĩa, ý thức trách nhiệm của cá nhân blogger đã được nâng lên một bước rõ rệt.
5 hành vi bị nghiêm cấm đối với hoạt động cung cấp thông tin trên blog bao gồm: Thứ nhất, lợi dụng trang thông tin điện tử cá nhân để cung cấp, truyền đi hoặc đặt đường liên kết trực tiếp đến những thông tin vi phạm các quy định tại Điều 6 Nghị định số 97; Thứ hai, tạo trang thông tin điện tử cá nhân giả mạo cá nhân, tổ chức khác; sử dụng trái phép tài khoản trang thông tin điện tử cá nhân của cá nhân khác; thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; Thứ ba, truyền bá các tác phẩm báo chí, tác phẩm văn học, nghệ thuật, các xuất bản phẩm vi phạm các quy định của pháp luật về báo chí, xuất bản; Thứ tư, sử dụng những thông tin, hình ảnh của cá nhân mà vi phạm các quy định tại Điều 31, Điều 38 Bộ Luật Dân sự; Thứ năm, cung cấp thông tin trên trang thông tin điện tử cá nhân mà vi phạm các quy định về sở hữu trí tuệ, về giao dịch thương mại điện tử và các quy định khác của pháp luật có liên quan. |
Theo VnMedia