Thông xe cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, kết nối các vùng kinh tế trọng điểm

Thông xe cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, kết nối các vùng kinh tế trọng điểm

(PLO)- Cao tốc đoạn Nha Trang - Cam Lâm thông xe sẽ góp phần rút ngắn thời gian đi lại và kết nối giữa các vùng kinh tế trọng điểm.

Ngày 17-5, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết tỉnh đã tiến hành kiểm tra công tác chuẩn bị thông xe cao tốc Nha Trang - Cam Lâm vào ngày 19-5.

Kỳ vọng phát triển mạnh về logistics

Ông Tuân đánh giá cao nhà đầu tư đã nỗ lực thi công, hoàn thành dự án trước ba tháng, đảm bảo chất lượng công trình đúng yêu cầu kỹ thuật. Ông đề nghị nhà đầu tư sớm hoàn thiện những hạng mục cuối cùng như kẻ vạch sơn, gắn biển báo và vệ sinh toàn dự án.

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết cao tốc Nha Trang - Cam Lâm đưa vào hoạt động sẽ rút ngắn thời gian đi từ TP.HCM ra Nha Trang. Qua đó, phục vụ du khách đến TP biển du lịch bằng đường bộ vào mùa du lịch. “Cao tốc đoạn Nha Trang - Cam Lâm kỳ vọng sẽ phục vụ tốt cho du lịch, giảm được thời gian đi từ TP.HCM ra Khánh Hòa” - ông Tuân đánh giá.

Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm có vận tốc thiết kế 120 km/giờ, được trang bị hệ thống giao thông thông minh gồm camera giám sát, hệ thống phát hiện xe, hệ thống biển báo thông tin thay đổi... Ảnh: HUỲNH HẢI

Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm có vận tốc thiết kế 120 km/giờ, được trang bị hệ thống giao thông thông minh gồm camera giám sát, hệ thống phát hiện xe, hệ thống biển báo thông tin thay đổi... Ảnh: HUỲNH HẢI

Cũng theo ông Tuân, tỉnh rất chú trọng các nút giao của tuyến cao tốc sẽ kết nối với các đô thị như Diên Khánh, Cam Lâm đi Lâm Đồng qua Quốc lộ 27C hay với Ninh Thuận qua Quốc lộ 27B. Qua đó, kết nối và mở ra các khu, cụm công nghiệp như Sông Cầu, Trảng É… Đồng thời, phát triển mạnh về dịch vụ logistics.

Theo ông Tuân, dự án xây dựng công trình cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017-2020 đi qua tỉnh Khánh Hòa có ba dự án thành phần, gồm đoạn Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo và Vân Phong - Nha Trang. Ngoài đoạn Nha Trang - Cam Lâm chuẩn bị thông xe thì hai đoạn còn lại đang được thi công. Ngoài ra, tỉnh Khánh Hòa còn một cao tốc phía tây là Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột dự kiến sẽ khởi công vào cuối tháng 6-2023.

“Đến năm 2026, các tuyến cao tốc trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa sẽ cơ bản hoàn chỉnh cả phía đông và phía tây. Đây là điều kiện rất tốt cho tỉnh khai thác các cảng biển như Vân Phong, Nha Trang và các khu công nghiệp Ninh Xuân, Ninh Đa, Ninh Diêm…” - ông Tuân nói.

Sẵn sàng thông xe vào ngày 19-5

Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm là dự án thành phần thuộc dự án xây dựng một số đoạn cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017-2020, dài hơn 49 km, khởi công hồi tháng 9-2021. Dự án được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) với tổng mức đầu tư hơn 7.600 tỉ đồng do Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải làm nhà đầu tư.

Cam kết bảo hành miễn phí 10 năm

Tập đoàn Sơn Hải đã gửi văn bản đến Bộ GTVT cam kết bảo hành 10 năm cao tốc đoạn Nha Trang - Cam Lâm mà tập đoàn thi công. Các nội dung cam kết bảo hành gồm mặt đường không hằn lún, không bong bật. Mặt đường bằng phẳng, êm thuận, kể cả đoạn tiếp giáp vào cầu (khi lưu thông không gập ghềnh), trong mọi trường hợp xe quá tải trọng, quá lưu lượng, thời tiết bất lợi cũng không làm thay đổi nội dung cam kết bảo hành 10 năm.

Nhà đầu tư này cam kết Nhà nước sẽ không chi bất kỳ khoản tiền gì trong quá trình duy tu, sửa chữa trong thời gian bảo hành.

Tuyến đường có điểm đầu kết nối với Quốc lộ 27C tại xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, đi qua huyện Cam Lâm,TP Cam Ranh và kết thúc tại nút giao với Quốc lộ 27B tại xã Cam Thịnh Đông, TP Cam Ranh. Ngoài ra, dự án còn có hai nút giao là nút Suối Dầu kết nối với Quốc lộ 1 và Tỉnh lộ 3; nút Cam Lâm kết nối với Quốc lộ 1.

Ông Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, cho biết mặc dù dự án gặp khó khăn do dịch COVID-19 và giá cả nguyên vật liệu tăng cao, tuy nhiên đơn vị có sự chuẩn bị, lập kế hoạch đầu tư, bố trí vốn phù hợp, áp dụng công nghệ hiện đại. Có thời điểm trên công trường dự án có hơn 1.500 công nhân, chia làm ba ca thi công ngày đêm.

Nhà đầu tư đã nhập nhiều máy móc từ châu Âu và Mỹ để phục vụ thi công như máy trộn bê tông nhựa chuyên dụng của Đức giúp tăng tốc độ thảm, có thể thi công làn 8 m so với công nghệ cũ chỉ 4 m. Dải phân cách của dự án cũng được thi công bằng máy chuyên dụng, đổ liền khối không nứt nẻ.

Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm có vận tốc thiết kế 120 km/giờ, được trang bị hệ thống giao thông thông minh gồm camera giám sát, hệ thống phát hiện xe, hệ thống biển báo thông tin thay đổi... Cao tốc này cũng được trang bị hệ thống thông tin liên lạc truyền thông vô tuyến, điện thoại nội bộ, hệ thống điện thoại SOS.

“Nhà đầu tư đã tập trung mọi nguồn lực để thi công, hoàn thành vượt tiến độ của dự án ba tháng. Hiện chúng tôi đã cơ bản hoàn thành công tác chuẩn bị thông xe vào ngày 19-5” - ông Huy nói.•

Hoãn lễ khánh thành cao tốc Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết

Điểm cuối của cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Ảnh: PHƯƠNG NAM.

Điểm cuối của cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Ảnh: PHƯƠNG NAM.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đã ký văn bản gửi UBND hai tỉnh Khánh Hòa và Bình Thuận về việc thay đổi thời gian tổ chức lễ khánh thành hai dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết.

Theo Bộ GTVT, ngày 12-5, Bộ GTVT đã ban hành kế hoạch tổ chức lễ khánh thành dự án xây dựng công trình cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017-2020 đoạn Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết với thời gian dự kiến vào sáng 19-5. Tuy nhiên, do chương trình công tác của lãnh đạo Chính phủ có sự thay đổi nên lễ khánh thành hai dự án này được hoãn lại.

Trao đổi với PV, một lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Bình Thuận cho biết mặc dù hoãn lễ khánh thành nhưng Bộ GTVT đang phối hợp với các cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận xem xét để dự kiến đưa cao tốc này vào hoạt động ngày 19-5.

Trước đó, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cũng đã ký công văn gửi Ban quản lý dự án 7 yêu cầu khẩn trương hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng tuyến chính dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết vào ngày 19-5. Để đảm bảo hoàn thành các hạng mục, đưa vào khai thác, sử dụng tuyến chính, Bộ GTVT yêu cầu giám đốc Ban quản lý dự án 7 trực tiếp chỉ đạo, điều hành các đơn vị huy động nhân lực, vật lực, máy móc, thiết bị tổ chức thi công ba ca, bốn kíp, đảm bảo hoàn thành trước ngày 10-5. Các hạng mục phải hoàn thành gồm rãnh thoát nước dọc, hàng rào, các nút giao, cầu vượt ngang, hệ thống an toàn giao thông và các hạng mục liên quan.

Bộ GTVT cũng yêu cầu lãnh đạo các nhà thầu trực tiếp có mặt tại hiện trường để điều hành thi công. Đối với các nhà thầu, các mũi thi công không đáp ứng yêu cầu tiến độ, ngoài việc yêu cầu nhà thầu tăng cường bổ sung, cần có biện pháp điều phối, hỗ trợ giữa các nhà thầu trong liên danh, giữa các gói thầu trong dự án để đảm bảo mục tiêu chung đưa tuyến chính vào khai thác theo kế hoạch...

PHƯƠNG NAM

Đọc thêm