Cụm từ “trạm thu phí” vốn đã rất quen thuộc với người dân khi nói về dịch vụ sử dụng đường bộ, cụ thể là các trạm BOT. Phí là áp dụng với các dịch vụ công do Nhà nước cung cấp, mức phí do cơ quan nhà nước ấn định. Đổi thành “trạm thu tiền” liệu có thực sự phản ánh đúng chức năng, nhiệm vụ của các trạm này? Vì trạm thu phí cũng thu tiền, tiền là phương tiện thanh toán, đồng tiền để phục vụ trao đổi hàng hóa và dịch vụ của một quốc gia hay nền kinh tế.
Như chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định: Từ phí đã được sử dụng phổ biến, dễ hiểu không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới như Mỹ cũng vậy. Thu phí, thu giá, hay thu tiền, cuối cùng vẫn là thu tiền. Ở đây chủ phương tiện sử dụng dịch vụ BOT và trả phí cho dịch vụ nên phí là từ chính xác nhất.
Bộ GTVT muốn đổi sang giá hay tiền thì mức thu phí không có gì thay đổi. Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh giá dịch vụ sử dụng đường bộ khi có các yếu tố biến động nhưng phải dựa trên phương án tài chính của dự án và cập nhật các yếu tố biến động để điều chỉnh phù hợp.
Theo ông Hiếu, phải chăng Bộ GTVT muốn thay tên phí để xoa dịu sự bức xúc của người dân khi chịu quá nhiều loại phí, phí chồng phí? Tuy nhiên, việc thay tên trạm thu phí sẽ không mang lại hiệu quả gì cho người dân mà còn gây thêm lãng phí, tốn thêm tiền ngân sách để sơn sửa lại tên trạm và những chi phí khác phục vụ cho sự thay đổi này.
Thiết nghĩ việc thay đổi tên gọi, “trạm thu phí” thành “trạm thu tiền” hay Bộ GTVT có nghĩ ra được từ nào mới không có trong từ điển tiếng Việt đi chăng nữa thì vấn đề quan trọng là có giải quyết được câu chuyện bức xúc về BOT trong thời gian qua như vị trí đặt trạm, cách lựa chọn nhà đầu tư, việc thu chi của nguồn thu từ các trạm BOT…
Tóm lại, lấy tên trạm gì cũng được, miễn việc xây dựng, khai thác, kinh doanh BOT phải công khai, minh bạch cho người dân rõ rằng đặt vị trí trạm đó có hợp lý không, cách thức lựa chọn nhà đầu tư có hợp lý không, thời gian chuyển giao lại cho Nhà nước, số tiền thu được là bao nhiêu, sử dụng vào việc gì… Và những BOT sai phạm phải được xử lý nghiêm, công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng.